✲ Câu chuyện về cuộc thảm sát đẫm máu phía sau cặp ngà voi ở Dinh Độc Lập.

Câu chuyện về cuộc thảm sát đẫm máu phía sau cặp ngà voi ở Dinh Độc Lập.



Cặp ngà voi được đặt trang trọng trong phòng tiếp khách của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, được coi là biểu tượng quyền lực cho đế chế tại vị của mình. Ngày nay, cặp ngà voi ấy không chỉ là hiện vật lịch sử gắn liền với cuộc chiến tranh ác liệt mà nó còn là vật chứng đẫm máu của vụ tàn sát 20 thổ dân vô tội trong khu rừng sâu ở Hạ Lào.


Cặp ngà voi ở Dinh Độc Lập.

Cuộc hành quân trong khu rừng sâu Hạ Lào.


Đầu năm 1971, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 54, Sư đoàn 1 bộ binh VNCH, đóng tại Thừa Thiên - Huế được lệnh tập kết tại Khe Sanh, hành quân qua vùng Lao Bảo và tiến sang đất Hạ Lào. Mấy ngày đầu, trung đội trinh sát do trung úy Minh chỉ huy tiến lên trước, gặp một nhóm dân tộc thiểu số đi ngược chiều, chừng hơn 20 người gồm toàn phụ nữ, cụ già và trẻ em. Theo sau họ có con voi to lớn có cặp ngà cong vút, láng lẫy, dài non sải tay. Trên lưng voi là một cái bành chứa rất nhiều đồ đạc, có lẽ đoàn người này đang có một chuyến đi dài ngày. (Trong số hành trang trên lưng voi còn có một pho tượng nữ thần bằng đồng quý giá mà hiện giờ vẫn chưa ai biết tung tích của nó kể từ khi vụ thảm sát xảy ra).

Khi nhìn thấy con voi đi đầu có cặp ngà dài đến 1m, Trung úy Minh, viên Sĩ quan chỉ huy trung đội trinh sát đã nảy ra ý định chiếm đoạt bằng được. Hắn ta không ngần ngại đi đến và đề nghị được mua lại voi của nhóm người Thượng nhằm lấy cặp ngà. Nhưng hắn không hiểu rằng, người đồng bào tôn sùng voi còn hơn cả báu vật. Họ xem voi là con vật linh thiêng, từ lâu đã gắn bó mật thiết với con người và voi cũng chính là một "con người" ruột thịt của họ.

Từ bao đời nay, mặc dù cuộc sống thiếu ăn, thiếu mặc nhưng họ không bao giờ nghĩ đến chuyện bán voi. Trước tình hình ấy, Trung úy Minh điện về ban chỉ huy tiểu đoàn gặp Trung úy tham mưu Bùi Quang Vinh và xin nói chuyện trực tiếp với "đại bàng" (mật danh của Thiếu tá Thọ, tiểu đoàn trưởng, là bà con bên vợ Tổng thống Thiệu). "Đại bàng" hỏi: "Lấy ngà dễ chứ?". Minh đáp: "Khó. người Thượng không chịu bán voi hoặc đổi chác gì cả. Họ tỏ ra sùng kính, bảo vệ con voi lắm". "Đại bàng" không chần chừ ra lệnh: "Vậy thì... bắn bỏ hết!".

Sau khi nhận được lệnh từ Thiếu tá Thọ, viên Sĩ quan cố gắng thuyết phục đoàn người thêm một lần nữa nhưng họ tiếp tục từ chối. Trước sự kiên quyết của những thổ dân, viên chỉ huy liền ra lệnh cho trung đội xả súng hạ sát đoàn người. Sau khi bắn chết 20 thổ dân một cách dã man, chúng giết chết voi và lấy đi cặp ngà quý giá.


Cặp ngà voi và cuộc rượt đuổi trong rừng.


Giết người, giết voi, chặt ngà xong, trung đội trinh sát của Minh tiếp tục di chuyển và hai ngày sau thì bất ngờ lọt vào vòng vây giăng sẵn của bộ đội chính quy Cách Mạng, Trung đội Cộng Hòa bị đánh tan tành, bị cắt đứt đội hình và cô lập trên đồi cao.

Lúc này Minh đang giữ cặp ngà voi còn dính máu, đã lập cập điện về bộ chỉ huy xin hậu cứ tiếp ứng máy bay giải vây. Nhưng "đại bàng" sợ, nếu cho máy bay thả bom thì cặp ngà quý có nguy cơ bị phá nát nên chỉ lặng lẽ tung bộ binh mở đường máu lên đỉnh đồi một cách khó khăn, chậm chạp và phải đổi nhiều sinh mạng sau trận đánh kéo dài từ 10 giờ sáng hôm nay đến 10 giờ sáng hôm sau mới lọt được vào tử địa để giải vây và áp tải cặp ngà mang về.

Liên tiếp những ngày sau đó, trung đội lính Cộng Hòa tiếp tục bị bao vây truy kích.., cuộc giao tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Nhiều ngày trời ăn dầm nằm dề, trốn chui trốn lủi trong rừng sâu. Nhiều người bỏ xác tại chỗ trong đó có trung úy Minh, ngược lại cặp ngà voi thì theo lệnh của ông Thọ phải đưa ra khỏi mặt trận bất cứ giá nào để đem về nhà riêng của ông ta trong thành nội Huế. Sau khi thoát khỏi vòng vây về tới Huế, tiểu đoàn 2 lính Cộng Hòa còn không quá 2 đại đội (trong số 5 đại đội biên chế lúc xuất quân). Những tên lính còn sống sót vẫn còn in hằn trên từng nét mặt nỗi hốt hoảng về trận đối đầu với bộ đội chính quy Cách Mạng trong rừng. Cùng với đó là nỗi lo sợ và sự ám ảnh tội lỗi về vụ thảm sát những người dân vô tội chỉ vì cặp ngà voi.


Cặp ngà voi mang lại nhiều sự xui xẻo.


Người ta kể lại, trong thời gian cất giữ cặp ngà voi, Trung tá Thọ đã gặp phải không ít rủi ro, thậm chí có lần suýt bỏ mạng trong rừng sâu. Ông ta hoảng sợ khi nghĩ đến những oan hồn mà mình đã ra lệnh giết chết để chiếm đoạt ngà voi và xác của nhiều quân lính phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ ngà voi đã nằm lại nơi rừng thiêng. Năm 1972, một lần nữa đơn vị của Thiếu tá Thọ lại bị bộ đội Cách mạng bao vây truy kích quyết liệt trên vùng núi Thừa Thiên - Huế. Tính mạng của Thiếu tá Thọ gặp nguy cấp. Biết Thiếu tá Thọ khó thoát được vòng vây nên cấp trên quyết định thăng quân hàm từ Thiếu tá lên Trung tá cho Thọ. Quân hàm và quyết định thăng chức được để vào chai thả từ trực thăng xuống căn cứ. Đây xem như là một lời khen thưởng cho những chiến công và cố gắng cuối cùng của viên Sĩ quan cầm chắc số phận sắp "lên bàn thờ".

Nhận được tin cháu vợ gặp lâm nguy, Nguyễn Văn Thiệu nóng lòng điện ngay cho Tư lệnh quân khu 1, vùng 1 chiến thuật phải đưa ra chiến lược cứu Thọ bằng mọi giá. Lệnh cứu Thọ được ban ra một cách nhanh chóng. Ngay lập tức, một trực thăng đặc biệt được điều động xuyên rừng đưa Thọ và một số Sĩ quan thân cận may mắn chạy thoát thân khỏi trận địa pháo, số binh sĩ Sài Gòn còn lại bị B52 ném bom rải thảm, chôn vùi.

May mắn thoát chết, nhưng những day dứt, hoảng loạn về tâm lý đeo bám trong suốt cuộc chiến, khiến Trung tá Thọ luôn sống trong sợ hãi, ông ta tìm mọi cách để được rời khỏi chiến trường ác liệt. Năm 1973, Nguyễn Văn Thiệu chiếu cố cho Trung tá Thọ được rời khỏi vùng 1 chiến thuật tại Thừa Thiên - Huế về làm Tiểu khu phó Định Tường (thuộc địa bàn của quê vợ ông Thiệu). Ngày ra đi, Trung tá Thọ gói ghém cặp ngà voi cẩn thận với ý định tặng lại cho ông chú Thiệu của mình vì ơn cứu mạng. Mặt khác, y cũng muốn rời khỏi báu vật đã thấm quá nhiều máu của những người vô tội mà Thọ cho là từ ngày có chúng trong nhà đã xảy ra nhiều sự xui xẻo. Áp tải thùng ngà voi cùng một số vật sản của gia đình Trung tá Thọ lên chiếc máy bay C130 tại phi trường Phú Bài là Trung úy Bùi Quang Vinh (người kể chuyện này). Đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vinh đưa ngà voi vào Dinh Độc Lập theo cổng đường Nguyễn Du. Năm ấy ông 22 tuổi, thuộc hàng Sĩ quan trẻ nhất, xuất thân từ trường thiếu sinh quân của Sài Gòn.


Nỗi ân hận day dứt không nguôi.


Cuộc thảm sát đẫm máu trong rừng sâu ở Hạ Lào vì cặp ngà voi được ỉm đi suốt mấy mươi năm chiến tranh và cả sau cuộc chiến. Số phận những thổ dân vô tội bị sát hại ngày đó vẫn mãi nằm lại trong rừng sâu.

Sau năm 1975, Trung úy Bùi Quang Vinh đi học tập cải tạo hơn 6 năm, nay đã là ông lão ngoài 60. Cỏ cây xanh tốt phủ dần lên những hố bom của chiến tranh và lòng người cũng dịu lại sau những đau thương giờ chỉ còn là quá khứ. Nhưng dường như trên gương mặt góc cạnh của viên Sĩ quan chỉ huy năm đó vẫn hằn rõ nhiều vết sẹo lớn bé mà qua năm tháng vẫn không lành lặn. Trên khuôn mặt hốc hác, nhăn nheo của ông hiện lên sự ân hận dường như không bao giờ nguôi. Ông chỉ mong có dịp tìm về khu rừng có những bà mẹ, những em bé vô tội đang nằm để thắp một nén nhang xin tạ tội.

Theo lời kể của một cựu Sĩ quan quân đội Sài Gòn:
Trung úy Bùi Quang Vinh, Trưởng Ban Tham mưu hành quân của Tiểu đoàn 2
thuộc Trung đoàn 54, Sư đoàn 1 bộ binh, đóng tại Thừa Thiên - Huế năm 1970.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét