✲ Câu chuyện về tấm ảnh "Hai người lính".

Câu chuyện về tấm ảnh "Hai người lính".



...đó là thời khắc ngừng chiến hiếm hoi, những ngày hòa bình đầu tiên khi những người lính dần nguôi căm hờn, thù địch…”.




Hai người lính. Ảnh: Chu Chí Thành.

Câu chuyện của phóng viên chiến trường.


Ðó là khoảng cuối tháng Ba năm 1973, Hiệp định Paris có hiệu lực. Tôi - Chu Chí Thành khi ấy 29 tuổi, được cơ quan - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cử vào Quảng Trị ghi lại hình ảnh trao trả tù binh giữa quân Giải phóng và quân đội Việt Nam cộng hòa.

Một hôm, tôi đến mặt trận Long Quang, Cửa Việt thuộc xã Triệu Trạch, tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu khu vực giáp ranh- vừa có quân đội Sài Gòn vừa có bộ đội đóng quân. Tôi nhớ, giới tuyến hai phe được phân định bởi chiếc dây thừng. Bất ngờ, tôi nhìn thấy hai phía “địch ta” vẫy nhau, những người lính cộng hòa gạt dây thừng đi sang địa phận quân giải phóng, chuyện trò rôm rả.

Người lính trẻ Sài Gòn tươi cười bắt tay cô du kích xã Triệu Trạch.

Một người lính trẻ Sài Gòn mặc bộ rằn ri, khỏe mạnh đẹp trai, tươi cười bắt tay cô du kích xã Triệu Trạch. Anh bộ đội đứng cạnh thân mật quàng vai anh ấy. Xung quanh, người của hai phía đều vui vẻ, hồ hởi. Thú vị ngoài sức tưởng tượng nên tôi nhanh chóng lấy nét, bấm một kiểu trung cảnh.

Ðột nhiên người lính Sài Gòn nói: "Anh nhà báo, chụp cho em một kiểu với anh giải phóng đây." Tôi nghe vậy thích quá. Lúc bấm máy, tôi thực sự hồi hộp và xúc động nhận ra rằng: Ðến thời điểm những người lính Sài Gòn không muốn cầm súng nữa.

Tối về trụ sở Phân xã Quảng Trị tráng phim, thấy ảnh hiện lên rõ nét sáng sủa, tôi ngồi trong hầm viết chú thích, gửi ảnh ra Hà Nội. Chú thích hơi dài. Từ triển lãm ảnh cá nhân năm 2007, bức ảnh có tiêu đề "Hai người lính".

Phóng viên Chu Chí Thành, 1972.

Sau chuyến công tác, trở về Phân xã Nhiếp ảnh của TTXVN ở Hà Nội, tôi xem lại các ảnh của mình do phòng Ðịa Phương dựng makert đã biên tập xử lý, thì thấy bức chụp hai người lính không được “lưu”, cũng không được “phát”. (Lưu tức là cắt phim, đánh số đưa vào kho lưu trữ để dùng lâu dài. Phát, tức là phóng ảnh rồi chuyển phát cho các báo sử dụng ngay). Tôi vào kho lưu trữ tìm trong đống phim bỏ đi, vẫn không thấy, tuy nhiên may mắn thấy tấm phim anh lính Sài Gòn bắt tay cô du kích. Tôi xin mấy chị tổ Tư Liệu mẩu phim, và bóc tấm ảnh mẫu Hai người lính từ maket đem về kẹp trong sổ công tác. Thực tình lúc đó chúng tôi không được phép lưu giữ tài liệu chụp bằng phim của cơ quan.

Bẵng đi mấy chục năm. Tháng 12/2007, tôi làm hai triển lãm ảnh: Những thời khắc không thể quên tại Bảo tàng Cách mạng (Hà Nội) và Ký ức chiến tranh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TPHCM. Hai người lính lần đầu ra mắt tại hai cuộc triển lãm này, sau đó in trong sách ảnh song ngữ Việt-Anh của tôi, tiêu đề Ký ức chiến tranh (NXB Thông Tấn 2010, sau 5 năm thì tái bản). Từ đó bức ảnh được báo chí và nhiều người quan tâm.


Câu chuyện của người lính.


Người đứng bên trái đội nón tai bèo trong tấm ảnh là người lính Giải phóng quân năm xưa, thuộc Ðại đội 6, Trung đoàn 48, còn gọi là Trung đoàn Thạch Hãn. Ông tên là Nguyễn Huy Tạo.

Ông Nguyễn Huy Tạo - (tháng 12/2015)

Ông Nguyễn Huy Tạo quê gốc ở làng An Trạch, Hà Nội, theo cha mẹ sống hơn chục năm ở Nam Ðịnh trước khi đi bộ đội. Gia đình có 5 người đi bộ đội, ông Tạo thuộc diện được miễn nhưng trốn bố mẹ nhập ngũ bằng được. Hơn một năm chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, ác liệt vô cùng, ông Tạo bị thương và có chiến công nên tháng 4/1974 ông được trở ra Bắc nhập học ở Học viện Hậu cần.

Bồi hồi nhớ lại hình ảnh hồn nhiên yêu đời, thân mật của mình và người lính phía bên kia, ông Tạo kể:

Năm 1973, cuộc trao trả tù binh mà anh Chu Chí Thành chứng kiến, diễn ra ở sông Thạch Hãn, còn chỗ chúng tôi đóng chốt là mặt trận Long Quang, Cửa Việt, cách sông Thạch Hãn mấy chục cây. Trước Hiệp định Paris, hai bên chiến đấu ác liệt. Trận chiến đấu cuối cùng của đại đội tôi diễn ra ở Cửa Việt, còn thị xã Quảng Trị bị quân đội Sài Gòn chiếm đóng.

Nơi hai phía địch ta đồn trú ở Long Quang chỉ cách nhau 5 chục mét, mỗi bên cắm cờ của mình. Hiệp định Paris có hiệu lực, hai bên vui mừng ôm lấy nhau, sau đó sang nhau chơi, đó là thời khắc ngừng chiến hiếm hoi, những ngày hòa bình đầu tiên khi những người lính dần nguôi căm hờn, thù địch…”.. Phía quân đội Sài Gòn thường chủ động sang bên chúng tôi. Họ tỏ ra tò mò về những người lính Bắc Việt. Hồi ấy chúng tôi đều trẻ trung, đa số học xong tú tài (lớp 10 cũ) hoặc đang học đại học thì đi chiến trường.

Trước đó, hai phía đã có một số buổi gặp gỡ chuyện trò. Phía bên kia thuộc Tiểu đoàn Trâu Ðiên, lực lượng Thủy quân Lục chiến, trên tay áo có in hình đầu con trâu, còn tôi ở Ðại đội 6, Trung đoàn 48, còn gọi là Trung đoàn Thạch Hãn. Ðặc sản lính được mang ra đãi trong các cuộc gặp là kẹo Hải Hà, thuốc lào Tiên Lãng..., còn bọn họ có thuốc lá Ruby, sô cô la, kẹo cao su... Tôi 20 tuổi, là Trung sĩ Tiểu đội trưởng. Anh lính Sài Gòn chụp ảnh cùng cũng trạc tuổi tôi, cũng Trung sĩ nhưng là Trung sĩ tâm lý chiến. Anh cho biết trước khi đi lính, anh là sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Anh có nói tên nhưng rất tiếc lâu quá tôi quên mất. Việc anh chủ động đề nghị anh Thành chụp ảnh không ngẫu nhiên. Trước đó chúng tôi đã biết nhau, trò chuyện vài lần rồi.

Sau cuộc gặp, có Ðoàn Văn công Quân khu 5 đến biểu diễn cho hai bên xem. Sân khấu chính của buổi diễn hướng về trận địa bên kia. Ðoàn biểu diễn một số bài, người ta chịu nghe lắm. Rồi đến tiết mục Tiếng đàn Ta-lư (của Huy Thục). Tốp nữ vừa hát vừa chỉ xuống khán giả bên kia: “Một hai ba bốn năm sáu chục, tên lính thuỷ đánh bộ Mỹ kia, nó bỏ xác trên rừng, Bộ đội giải phóng ơi, các anh đánh hay hung ....”. Không biết có phải bài hát và kiểu biểu diễn khiến phía bên kia chạm nọc, mà lập tức họ báo động rút quân về. Từ đó họ cấm quân léo hánh sang bên này. Dây thép gai được dựng lên, rào dọc giới tuyến. Chúng tôi không bao giờ gặp nhau nữa. Ngay sau sự việc, hai bên ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Ông Nguyễn Huy Tạo và ảnh “Hai người lính” trong lời giới thiệu một chương trình của triển lãm ảnh “Những thời khắc không thể quên”. Ảnh: Chu Chí Thành.

Rồi được biết cũng vì gấp rút báo động mà lựu đạn gài của phía họ phát nổ, có lẽ do ai đó chạy chệch hướng qui định. (Lựu đạn gài là một loại vũ khí sát thương nhanh, chỉ Mỹ có còn quân ta không có). Hôm sau tôi đứng bên này hỏi vọng sang bên kia về người lính đã chụp ảnh cùng mình thì được biết anh ấy đã chết do không may vấp phải lựu đạn gài.

Ông Tạo cho biết: “Ngay từ hồi ấy tôi đã không muốn anh ta chết, vì tôi còn muốn tranh luận với anh nhiều chuyện. Anh ta nói hay lắm, sinh viên Văn khoa mà. Anh ta có gương mặt rạng rỡ”. Và: “Tôi còn nhớ anh ta nói, mỗi người dân Việt Nam mình là một hòn sỏi, không bao giờ gắn kết được với nhau. Xưa giờ là như thế". Nghe thế tôi đùa rằng: "cho tí xi măng là dính hết". Anh ta hỏi: "xi măng nào mà gắn được" tôi bảo: "xi măng xã hội chủ nghĩa" kiểu nói của thế hệ chúng tôi ngày đó. Anh ta cười.

Về Chu Chí Thành, hồi ấy bọn tôi nhìn mà ngưỡng mộ. Cao dong dỏng, đẹp trai, đội mũ tai bèo khoác máy ảnh quá oách. Cứ ước ao bao giờ mình có được cái máy ảnh như thế mà đeo. Tác nghiệp trên trận địa thì có người đi theo bảo vệ, đi đâu toàn đi với nhân vật quan trọng”.


Lời kết.


Thời gian chữa lành mọi vết thương, nhưng số phận bức ảnh "Hai người lính", số phận các nhân vật và tâm sự của người trong cuộc gợi một nỗi buồn chiến tranh sâu thẳm, đâu dễ nguôi ngoai dù hòa bình Ðã đến từ hơn 40 năm trước.

Nguồn: báo Tuổi trẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét