✲ Hội Tam Hoàng và vụ tử hình gian thương Tạ Vinh tại pháp trường cát Sài Gòn ngày 14/3/1966.

Hội Tam Hoàng và vụ tử hình gian thương Tạ Vinh tại pháp trường cát Sài Gòn.



Rạng sáng ngày 14/3/1966, một người Việt gốc Hoa (Triều Châu) là Tạ Vinh đã bị đưa ra pháp trường cát rồi sau đó bị xử bắn vì tội danh "lũng đoạn nền kinh tế quốc gia". Pháp trường này nằm trước Trụ sở Hỏa xa Sài Gòn (nay là Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn), nhìn sang bên kia chợ Bến Thành.


Mặc dù Tạ Vinh không phải là thành viên Tam hoàng nhưng ngay khi ông ta bị bắt rồi bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa chớp nhoáng, cả Tam hoàng Chợ Lớn lẫn Tam hoàng Hồng Kông đều ra sức cứu Tạ Vinh bởi lẽ "Nếu không nhanh chóng dập đám cháy nhỏ bằng một thùng nước thì sẽ phải dập bằng cả một hồ nước"…


Bối cảnh của vụ xử bắn Tạ Vinh.


Trước khi nói đến chuyện Tạ Vinh bị đưa ra pháp trường cát và bị xử bắn thì thiết tưởng cũng nên nhìn qua bối cảnh chính trị ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Sau khi tướng Nguyễn Khánh quậy nát thể chế Việt Nam Cộng hòa rồi bốc một "nắm đất quê hương" đi lưu vong, Thủ tướng Trần Văn Hương lại phải đương đầu với cuộc khủng hoảng trong nội bộ Thượng Hội đồng Quốc gia (THĐQG - là một nhóm gồm 17 chính trị gia được sự ủng hộ của các tướng lĩnh, đã đứng ra điều hành đất nước).

Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, quyền Chủ tịch THĐQG phản đối ông Hương vì cho rằng thành phần chính phủ không phản ảnh đúng nguyện vọng của các đảng phái. Tiếp theo, Chữ lôi kéo sinh viên và nhiều tổ chức tôn giáo khác, tiến hành những cuộc hội thảo, nhóm họp, biểu tình, đòi Hương phải cải tổ nội các.

Trước sức ép ấy, Trần Văn Hương vẫn cương quyết giữ vững lập trường. Ông ta tuyên bố: "Nhất định không cải tổ, không lùi bước, bằng mọi cách phải tái lập trật tự". Chả thế mà báo chí hồi đó đã đặt cho ông ta cái biệt danh là "Ông già gân".

Nhận thấy tình hình rối ren, không thể khoanh tay đứng nhìn, ngày 24/1/1965 Hội đồng tướng lĩnh nhóm họp để tìm phương cách giải quyết. Sau 3 ngày thảo luận, các tướng lĩnh cho rằng đã đến lúc cần phải vãn hồi trật tự xã hội đồng thời cũng để xoa dịu sự chống đối, Hội đồng quyết định giữ nguyên chức vụ Quốc trưởng của Phan Khắc Sửu, bãi nhiệm Thủ tướng Trần Văn Hương và đưa đi quản thúc tại Vũng Tàu, đề cử Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh làm thủ tướng để thành lập nội các mới.

Tuy nhiên, ông Oánh xin từ nhiệm vì ông bị áp lực phải dành chức Tổng trưởng Nội vụ cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi. Thế nên, nội các chưa thành hình thì đã chết yểu rồi được thay thế bằng chính phủ của Thủ tướng Phan Huy Quát, trong đó Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng Ngoại giao là bác sĩ Trần Văn Đỗ, Phó thủ tướng phụ trách kế hoạch là luật sư Trần Văn Tuyên.

Một ngày sau khi nội các Phan Huy Quát trình diện Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, Hội đồng Quân lực ra quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia Lập pháp để thay thế THĐQG đã bị giải tán.

Ngày 20/5/1965, đại tá Phạm Ngọc Thảo làm đảo chính nhưng không thành. Bảy ngày sau, một phái đoàn đại diện "Lực lượng Công giáo đoàn kết" do linh mục Hoàng Quỳnh cầm đầu đến gặp Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Hội đồng Quốc gia Lập pháp, trình kiến nghị yêu cầu giải nhiệm chính phủ của Quát vì "chính phủ này không được sự ủng hộ của đồng bào miền Nam, chỉ phục vụ quyền lợi đảng phái, gây chia rẽ nghiêm trọng…".

Đến đầu tháng 6/1965, nhiều phái đoàn tôn giáo và đảng phái chính trị khác lại tiếp tục đòi Phan Huy Quát từ chức. Ngày 11/6/1965, Quát triệu tập một phiên họp đặc biệt dưới sự chủ tọa của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, gồm trung tướng Phạm Xuân Chiểu, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Lập pháp; trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Phó chủ tịch kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, thiếu tướng Linh Quang Viên, Tổng trưởng Thông tin... Trong cuộc họp này, cả Sửu lẫn Quát không ai nhượng bộ ai. Bất ngờ, Quát tuyên bố từ chức và giải tán chính phủ, Sửu thấy vậy cũng đành phải tuyên bố từ chức theo.

Ngay hôm sau, Nguyễn Văn Thiệu với cương vị Tổng trưởng Quốc phòng, triệu tập phiên họp các tướng lĩnh rồi đề nghị trung tướng Nguyễn Chánh Thi lên làm thủ tướng nhưng Thi từ chối. Thiệu hỏi: "Anh Thi không nhận. Vậy có vị nào chịu đảm trách vai trò này không?".

Vài phút yên lặng trôi qua. Cuối cùng, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ lên tiếng nhận trách nhiệm. Kết thúc buổi họp, các tướng lĩnh đồng ý để tướng Kỳ làm thủ tướng với danh xưng mới: "Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương", còn Nguyễn Văn Thiệu là "Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia".

Trở thành thủ tướng, ông Kỳ thành lập một nội các mới mà ông gọi là "nội các chiến tranh". Ngoài việc "chống Cộng đến cùng", một trong những mục tiêu của nội các này là "tiêu diệt gian thương và trừ khử các băng nhóm du đãng".

Ngày 26/6/1965, "nội các chiến tranh" cho ra đời hai tổ chức gọi là "Tổng đoàn trừ gian" để chống đầu cơ, tích trữ, và "Biệt đội bài trừ du đãng" nhằm xóa sổ xã hội đen. Bên cạnh đó, ông Kỳ cho lập "pháp trường cát" ngay giữa đô thành Sài Gòn để xử bắn gian thương, du đãng. Thế nhưng chỉ thời gian ngắn sau, người ta phát giác ra rằng chính các thành viên trong "Tổng đoàn trừ gian" lại bao che cho gian thương nên chúng vẫn lộng hành, còn một số người trong "Biệt đội bài trừ du đãng" lại trở thành "cha đỡ đầu" của các "đại ca số má"!


Những hoàng đế không ngai.


Sinh năm 1932 tại một làng miền núi thuộc huyện Triều Dương, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, lên 4 tuổi Tạ Vinh theo gia đình sang Chợ Lớn, Việt Nam. Cha mẹ ông ta lúc ấy sống bằng nghề làm đồ tiểu thủ công và buôn bán nhỏ.

Tạ Vinh

Thời điểm năm 1965, có khoảng 200 nghìn người Hoa sống tại miền Nam Việt Nam, chia thành 5 bang, gồm Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ (hay còn gọi là Khách gia, Hà Cá) và Hải Nam. Trong đó bang Quảng Đông có khoảng 80 ngàn người đã nhập quốc tịch Việt. Đa số người Hoa lúc ấy chỉ cần biết tiếng Việt đủ để giao tiếp chứ không học sâu hơn, còn trong nội bộ thì tiếng Quảng, tiếng Tiều, tiếng Hải Nam, Phúc Kiến vẫn là ngôn ngữ chính. Vì vậy người Việt mới có cụm từ "hoảng tiều" (hoảng: Quảng, tiều: Triều), chẳng hạn như: "Mày nói cái gì hoảng tiều vậy?" - nghĩa là nói tùm lum, chẳng hiểu gì hết!

Theo truyền thống, người Quảng giỏi về buôn bán và công nghệ, đa số các xưởng cơ khí, chế tạo khuôn mẫu, máy móc, dệt may ở Chợ Lớn đều do người Quảng Đông làm chủ. Người Phúc Kiến giỏi về giao thương với hàng loạt các công ty vận tải đường thủy, đường bộ. Người Triều Châu làm ăn nhỏ lẻ bằng cách mở tiệm ăn, tiệm tạp hóa, người Hẹ chuyên về tiểu thủ công nghiệp như lập lò rèn, nhà máy nước đá, đóng giày, làm bánh. Người Hải Nam chuyên kinh doanh thủy hải sản.

Một báo cáo của Quan thuế Sài Gòn (chức năng như ngành Hải quan bây giờ) cho thấy năm 1965, người Hoa ở miền Nam Việt Nam kiểm soát 80% việc mua bán lúa gạo, 78% ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim và gần như độc quyền trong thương mại. Về bán buôn, họ nắm 100%, bán lẻ nắm hơn 50% còn xuất nhập khẩu thì họ chiếm 90% nên chả trách Hoa kiều miền Nam lúc ấy gần như kiểm soát hoàn toàn giá cả thị trường.

Tại Chợ Lớn (là khu vực quận 5 và một phần quận 6, TP HCM hiện nay), số lượng người Hoa gốc Triều Châu chiếm khá đông. Bên cạnh đó, họ còn có mặt ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Tiên…, đa số đều mang họ Trần, Trương, Lý, Lâm, Mã, Quách, Tạ, Trầm, Nhiêu..., phần lớn đều không thích đi làm mướn cho người khác - hoặc giả có phải làm mướn chăng nữa thì cũng là làm mướn cho những người cùng bang hội như một cách ẩn nhẫn chờ thời trước khi lên làm chủ - dù chỉ là chủ của một tiệm tạp hóa bé tí xíu.

Một khu phố người Hoa ở Chợ Lớn, năm 1966.

Tạ Vinh cũng không nằm ngoài quỹ đạo này. Mới 27 tuổi, ông ta đã là Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Sui Hing, chuyên kinh doanh lúa gạo, sắt thép, đường sữa. Mặc dù không thể sánh bằng những ông "vua không ngai" khác như Mã Hỷ, chủ nhiều hãng tàu đò chạy khắp lục tỉnh Nam Kỳ, hoặc Lại Kim Dung, trùm các "chành" lúa gạo, hay như Lý Long Thân, từ một người mua bán đồ phế liệu rồi trở thành đại gia trên thị trường sắt thép xây dựng với tài sản "nổi" là Nhà máy luyện cán thép Vicasa, Hãng dệt Vinatexco, Vimytex, Hãng nhuộm Vinatefinco, hãng dầu ăn Nakyco, Hãng bánh ngọt Lubico, Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Trung Nam, khách sạn Arc en Ciel, hãng tàu Rạng Đông…, hoặc Trần Thành, "ông vua" bột ngọt, chủ hãng bột ngọt Vị Hương Tố, người đã đẩy lùi cuộc "xâm lăng" của tập đoàn sản xuất bột ngọt lừng danh Nhật Bản Ajinomoto vào thị trường miền Nam lúc bấy giờ, hoặc như Tạ Phong, vua thuốc lá, Trương Vĩ Nhiên, vua nhập khẩu phim ảnh, là chủ nhiều rạp chiếu phim ở Chợ Lớn, Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng kem đánh răng Hynos, Đào Mậu, vua ngân hàng…, nhưng Tạ Vinh cũng "không phải loại xoàng đâu". Bằng cách liên kết với những ông "vua không ngai" cùng ngành nghề, Tạ Vinh dần dà có một chỗ đứng cho riêng mình.


Tạ Vinh và ngôi sao “quả tạ”.


Trở lại với việc tướng Kỳ thành lập "Tổng đoàn trừ gian", thời gian đầu những người thuộc tổng đoàn này hoạt động rất xông xáo. Họ cử nhân viên đến những tiệm buôn lớn nhỏ của người Hoa ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định cùng các tỉnh miền Tây nơi có nhiều Hoa kiều sinh sống, dò hỏi giá cả của những mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, sữa, vải, ximăng, sắt thép, phân bón… rồi báo cáo trực tiếp cho tướng Kỳ mỗi khi có biến động.

Trong một bản tường trình của "Tổng đoàn trừ gian" gửi tướng Kỳ có đoạn: "Họ (tức những "xì thẩu" người Hoa) chi phối giá cả từ trên xuống dưới. Vàng chẳng hạn, cứ mỗi tối họ điện thoại sang Hồng Kông để nắm giá rồi sáng hôm sau, họ thông báo giá vàng trong ngày cho tất cả những đầu mối ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây. Phân bón cũng vậy, qua tin mật báo của cảm tình viên Tổng đoàn, trong 6 kho ở bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Bình Đông hiện vẫn còn trên dưới 50 nghìn tấn nhưng trên thị trường, họ ra lệnh cho các đại lý chỉ bán nhỏ giọt vì họ nắm được thông tin là phân sẽ lên giá…".

Sôi máu, tướng Kỳ ra lệnh cho "Tổng đoàn trừ gian" phải tìm cho được những nhân vật cụ thể, những hành vi cụ thể về việc "lũng đoạn nền kinh tế quốc gia". Chẳng mấy chốc, các điều tra viên của Tổng đoàn đã có đầy đủ chứng cứ về một người Hoa gốc Triều Châu là Tạ Vinh, khi tiến hành xây dựng doanh trại cho lính Mỹ đã chỉ đạo nhà thầu ăn bớt sắt thép, đồng thời hối lộ cảnh sát để mang số sắt thép này bán ra thị trường. Bên cạnh đó, "Tổng đoàn" còn tìm được chứng cứ Tạ Vinh đang tích trữ gạo chờ thời cơ lên giá, chuyển tiền "chui" sang Hồng Kông…

Và thế là số phận của "xì thẩu" này xem như đã được định đoạt…


Phiên tòa chớp nhoáng.


Để “nắn gân” tướng Kỳ, ngay sau Tết nguyên đán 1966, giá gạo đang từ 5,5 đồng/kg bỗng nhiên tăng lên 6 đồng rồi 7 đồng trong lúc lương của một lao động chân tay vào khoảng 8 đồng/ngày. Khá nhiều hồi ký của một số tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại kể lại rằng: Biết là có bàn tay thao túng của những ông "vua không ngai" Chợ Lớn, tướng Kỳ lập tức ra tối hậu thư cho họ bằng cách triệu tập 7 người Hoa đứng đầu ngành mua bán lúa gạo tại miền Nam đến văn phòng.

Sau đó, ông yêu cầu mỗi người ghi tên mình vào một mảnh giấy, bỏ vào một cái hộp rồi cho biết trong vòng một tuần nếu giá gạo không xuống, họ sẽ phải trở lại văn phòng ông để bốc thăm. Bốc trúng tên ai, ông sẽ ra lệnh xử bắn người đó.

Thế nhưng chuyện "bốc thăm" nếu có thì cũng chỉ là động tác giả của tướng Kỳ nhằm "rung cây nhát khỉ" bởi lẽ trước khi quyết định xử bắn Tạ Vinh, "Tướng râu kẽm" đã có kết luận chính xác về các hành vi phạm tội của "xì thẩu" này. Tuy nhiên, tin vào thế lực của mình, những ông "vua không ngai" không những không hạ giá gạo, mà còn tăng lên 7,5 đồng/kg.

Ngay sau khi cái tin Tạ Vinh bị bắt loan ra, các "xì thẩu" người Hoa Chợ Lớn mới hiểu rằng mình đang đùa với lửa. Nhất là ngày 6/3/1966, Tòa án Quân sự mặt trận Vùng 3 chiến thuật mở phiên xét xử chớp nhoáng rồi kết án tử hình Tạ Vinh mà không hề có luật sư biện hộ thì các ông "vua không ngai" ai nấy đều nơm nớp sợ đến lượt mình.

Lập tức, 5 người đứng đầu 5 bang hội người Hoa tổ chức họp khẩn cấp và biện pháp chữa cháy đầu tiên là phải hạ ngay giá gạo. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau buổi họp, gạo đang từ 7,5 đồng/kg xuống còn 4 đồng! Mặt khác, họ tìm cách "chạy" cho Tạ Vinh thoát khỏi pháp trường cát.

Thời điểm ấy, Mã Tuyên, người đứng đầu 5 bang hội người Hoa ở miền Nam và đồng thời cũng là thành viên cao cấp của Tam hoàng Chợ Lớn đang chịu án tù 3 năm vì lúc xảy ra đảo chính, ông ta đã cả gan chứa chấp anh em Diệm, Nhu trong nhà rồi sau đó, đưa cả hai sang ẩn náu tại Nhà thờ cha Tam ở cuối đường Trần Hưng Đạo, chưa kể ông ta còn đàm phán với một số tướng lĩnh nhằm giúp anh em Diệm, Nhu được ra nước ngoài tị nạn chính trị nhưng không ngờ lại bị lật kèo, dẫn đến cái chết của cả Diệm lẫn Nhu.

Dù vậy, Trần Thành - cũng là một chỉ huy cao cấp của Tam hoàng Chợ Lớn vẫn quyết định tham vấn ý kiến Mã Tuyên. Bằng cách đút lót cho viên sĩ quan trưởng trại quân lao Gò Vấp (là nơi giam giữ những quân nhân Việt Nam Cộng hòa đào ngũ, trộm cắp, cướp của giết người…), Trần Thành được phép vào tận buồng giam gặp Mã Tuyên. Trong cuộc trò chuyện, Mã Tuyên nói: "Bây giờ chỉ có Lý Long Thân là giúp được nhưng phải coi chừng. Nó là con dao hai lưỡi".

Mã Tuyên năm 1963 (ảnh trái) và năm 1993.

Sở dĩ có câu nói đó là vì tối ngày 6/11/1963 - năm ngày sau khi cuộc đảo chính lật đổ anh em Diệm, Nhu xảy ra, biết "Hội đồng quân nhân cách mạng" đang truy lùng mình nên Mã Tuyên nhanh chân chạy đến nhà Lý Long Thân. Do đã từng hợp tác với nhau trong nhiều phi vụ làm ăn nên một mặt họ Lý tỏ vẻ ân cần tiếp đãi, mặt khác khuyên Mã Tuyên hãy lập tức trốn sang Phnôm Pênh, Campuchia. Ở đó đã có Lý Ban, người của Lý Long Thân và cũng là thành viên Tam hoàng sẽ tìm cách sắp xếp cho Mã Tuyên đi Hồng Kông.

Đến 8 giờ tối, Lý Long Thân gọi tài xế lấy chiếc xe hơi hiệu Traction màu đen, dặn đưa Mã Tuyên sang nhà một cơ sở ở Gia Định, đợi sáng sớm sẽ lên Tây Ninh rồi qua Campuchia. Thế nhưng, khi chiếc xe hơi vừa lăn bánh khỏi nhà Lý Long Thân chừng 300 mét thì một toán quân cảnh súng ống trên tay đã chờ sẵn bên lề đường. Vài phút sau đó, Mã Tuyên được đưa thẳng về quân lao Gò Vấp.

Để tránh tiếng phản bạn và tránh sự nghi ngờ trong cộng đồng người Hoa bởi lẽ Mã Tuyên bị bắt, nhưng tài xế chở ông ta lại được thả cho về ngay nên sáng 26-11-1963, Lý Long Thân gửi đơn đến Đô trưởng Sài Gòn xin bảo lãnh cho Mã Tuyên vào Bệnh viện Grall (nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2), chữa bệnh. Chẳng ai biết lá đơn ấy có kèm theo cái gì không nhưng ngày 28, Mã Tuyên được xe của quân lao Gò Vấp đưa vào Bệnh viện Grall.

Hai hôm sau, Lý Long Thân vào Bệnh viện Grall thăm Mã Tuyên nhưng Mã Tuyên cáo ốm, không tiếp. Sau đó, Mã Tuyên ra tòa, nhận cái án 3 năm tù giam vì "xúi giục tư thương gây rối loạn thị trường". Tất cả tài sản của ông ta bị sung công và bị đem ra bán đấu giá. Theo lệnh Trần Thành, Tam hoàng Chợ Lớn góp tiền mua lại số tài sản ấy rồi giao trả cho gia đình Mã Tuyên.

Thế nên, khi tiếp xúc với Lý Long Thân, các "xì thẩu" người Hoa đã chuẩn bị sẵn 200 triệu đồng để nhờ họ Lý cứu Tạ Vinh khỏi chết. Còn nếu nhược bằng không cứu được thì tìm cách thế mạng bằng một tù nhân nào đó, có vóc dáng tương tự như Tạ Vinh, chết thay. Bởi vậy sau này khi Tạ Vinh đã bị xử bắn, dân Sài Gòn vẫn còn đồn um lên rằng người chết không phải là Tạ Vinh!

Nhận 200 triệu của nhóm người Hoa Chợ Lớn, Lý Long Thân liên lạc với trung tá Minh, là người của "Tổng đoàn trừ gian", nhờ Minh dàn xếp cho mình gặp tướng Kỳ. Hôm sau, Minh trả lời rằng ông Kỳ từ chối tiếp xúc với Lý Long Thân, đồng thời khuyên họ Lý đừng nghĩ đến chuyện hối lộ! Số tiền 200 triệu coi như mất trắng, chẳng biết rơi vào tay ai.


Các cuộc vận động của Hội Tam Hoàng.


Tin Tạ Vinh bị bắt và sắp bị xử bắn lan đến cộng đồng Triều Châu ở Hồng Kông. Mặc dù Tạ Vinh không phải là thành viên của Hội Tam hoàng nhưng dẫu sao Vinh cũng là người Tiều. Hơn nữa trước sự cầu cứu của Tam hoàng Chợ Lớn, A Dảnh - người cầm đầu Tam hoàng Hồng Công quyết định vào cuộc.

Bằng cách liên lạc với Châu Trần Tọa, sống tại Sài Gòn nhưng là một đảng viên Quốc dân đảng thuộc loại có "số má" ở Đài Loan, Tọa được chính quyền miền Nam Việt Nam cho phép sinh hoạt trong chi bộ Quốc dân đảng Sài Gòn do Trần Y Linh, bí thư Đại sứ quán Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) tại Sài Gòn làm chi bộ trưởng, A Dảnh đề nghị Châu Trần Tọa dùng thế lực của Quốc dân đảng cứu Tạ Vinh. Theo A Dảnh, thời điểm này các chuyến bay thả biệt kích xâm nhập miền Bắc Việt Nam đều do phi công Đài Loan điều khiển, mà đa số phi công lại là đảng viên Quốc dân đảng nên việc dùng họ làm áp lực với tướng Kỳ xem ra khả thi.

Tuy nhiên, có một điều mà ông trùm Tam hoàng Hồng Kông không biết, đó là sau khi Mã Tuyên bị bắt rồi vào tù, Lý Long Thân đã bỏ ra 13 triệu đồng để bảo lãnh cho Châu Trần Tọa giữ chức vụ "mại bản" (compradore - tương tự như giám đốc phụ trách kinh doanh) tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Chức vụ này trước kia thuộc về… Mã Tuyên!

Thế nên sau vài lần hứa hẹn, Châu Trần Tọa trả lời rằng: "Khó lắm! Kế hoạch thả biệt kích do CIA chủ trì, và CIA làm việc thẳng với Tưởng Giới Thạch cũng như với tư lệnh không quân Đài Loan nên việc đem phi công ra để dọa Kỳ là việc không tưởng".

Song song với việc nhờ Châu Trần Tọa, A Dảnh cử một phó tướng của mình là Trương Sinh cấp tốc bay sang Sài Gòn. Nguyên ông này có một đứa con gái, lấy chồng là một sĩ quan Mỹ mà viên sĩ quan ấy lại đang làm việc trong Phái bộ viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Dảnh hy vọng qua ông bố vợ, chàng con rể sẽ tác động đến tướng Kỳ và vào phút 89, ông Kỳ sẽ ân xá cho Tạ Vinh rồi thay vào đó là một cái án tù có thời hạn.

Cùng với những động tác ấy, Tam hoàng Hồng Kông còn vận động cộng đồng Triều Châu ở Hồng Kông ký vào một bản kiến nghị, gửi Tòa đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Đài Bắc, Đài Loan, gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa để phản đối bản án quá nặng. Bản kiến nghị yêu cầu tướng Kỳ phải chấp nhận cho Tạ Vinh được quyền nhờ luật sư biện hộ trước tòa, thậm chí còn đề nghị cho dẫn độ ông ta về Hồng Kông để xét xử với lý do ông ta là người Triều Châu (?!).

Lẽ tất nhiên tướng Kỳ thẳng thừng từ chối. Ông tuyên bố dứt khoát rằng Tạ Vinh phạm tội tại Việt Nam thì luật pháp Việt Nam sẽ xử, và xử ngay theo luật thời chiến chứ không chần chừ theo yêu cầu của nhiều thế lực...


Ngày hành quyết.


5 giờ ngày 14/3/1966, Tạ Vinh, Giám đốc Công ty Xuất nhập cảng Sui Hing, bị giải ra pháp trường cát vì các tội lũng đoạn nền kinh tế, đầu cơ tích trữ, chuyển ngân bất hợp pháp và hối lộ. Năm ấy ông ta vừa tròn 34 tuổi.

Trước đó, Tạ Vinh đã làm đơn kháng án, nhưng bị Tòa án Sài Gòn bác đơn. Một bản tin của Hãng AP đánh đi từ Sài Gòn cho biết, quyết định bác đơn do đích thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ đạo.

Mặc dù được thông báo là cuộc xử tử sẽ diễn ra công khai nhưng người dân không thể đến gần pháp trường ngoại trừ các phóng viên. Cả một tiểu đoàn lính dù đã dựng hàng rào che chắn kín xung quanh. Rất nhiều cảnh sát, quân cảnh liên tục xua đuổi những ai tò mò. Một cảnh sát cho phóng viên Hãng AP biết do lo sợ cộng đồng người Hoa Chợ Lớn - chiếm 30% dân số Sài Gòn sẽ biểu tình nên mọi biện pháp an ninh buộc phải thắt chặt. Cả một khu vực rộng lớn kéo dài từ đầu đường Hàm Nghi - Huỳnh Thúc Kháng - Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo, từ ga xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đến chợ Bến Thành, đường Lê Lợi bị cô lập hoàn toàn.

Được Tam hoàng Chợ Lớn báo cho biết trước, gia đình Tạ Vinh gồm vợ, 7 đứa con và 3 phụ nữ là họ hàng thân thuộc có mặt từ 4 giờ. Khi chiếc xe bít bùng chở Tạ Vinh đến nơi và khi thấy chồng mình trong bộ quần áo vest, sơ mi trắng, thắt cravat, chân đi giày da, mắt bị bịt kín bằng một mảnh vải đen, vợ Tạ Vinh vừa khóc vừa la hét, cố gắng vượt qua hàng rào kẽm gai nhưng đã bị cảnh sát kéo lại. Quá uất ức, bà ta quay sang chửi rủa đám cảnh sát.

5 giờ 10 phút, bản án được đọc và sau khi đã bị trói chặt vào cây cột dựng ngay phía trước những bao cát, bằng một thứ ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Triều Châu, Tạ Vinh thét lên với các phóng viên: "Tại sao các ông không nói ra sự thật". Phóng viên Hãng AP cho biết, tất cả các nhà báo chỉ nghe rõ câu đó, còn những câu sau thì không ai hiểu.

Đúng 5 giờ 30 phút, đội hành quyết gồm 10 người lính theo lệnh của viên chỉ huy đồng loạt bắn vào ngực Tạ Vinh. Thân hình ông ta nảy lên, co giật nhưng thay vì khuỵu xuống, Tạ Vinh vẫn đứng vững. Đến khi viên sĩ quan chỉ huy đội hành quyết bắn phát súng ân huệ vào thái dương thì ông ta mới chết hẳn, máu đỏ chảy thành dòng trên chiếc sơ mi trắng..

Rất nhanh chóng, xác Tạ Vinh được tháo ra khỏi cột và được đưa lên một chiếc xe có dấu chữ thập đỏ. Sau đó, xe chạy về Bệnh viện Triều Châu (nay là Bệnh viện An Bình) rồi giao cho gia đình ông ta mai táng.

Năm 2008, khi gặp ông Nguyễn Cao Kỳ tại khách sạn Sheraton trên đường Đông Du, quận 1, TP HCM, tôi có hỏi ông về chuyện Tạ Vinh nhưng ông lắc đầu: "Tôi đã viết trong hồi ký. Mà thôi, bỏ qua đi". Tôi hỏi thêm khi quyết định xử bắn Tạ Vinh, ông có bị áp lực nào không thì ông gật: "Nhiều lắm, thậm chí tôi còn bị cho là sát máu, quân phiệt!".

Vũ Cao

0 nhận xét:

Đăng nhận xét