✲ Thiên Địa hội ở Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Thiên Địa hội ở Nam Kỳ Lục Tỉnh.



Mặc dù đánh giá Thiên Địa hội tại Nam Kỳ chưa đến nỗi nguy hiểm như ở Trung Quốc, nhưng người Pháp thỉnh thoảng cũng tổ chức các cuộc ruồng bố và trục xuất những Hoa kiều không đăng ký trong sổ bộ. Tuy vậy, Thiên Địa hội vẫn không ngừng phát triển. Tháng 5/1882, ở tổng Định Chí, tỉnh Sóc Trăng, tất cả người Hoa, người Minh Hương và người Việt ở 18 làng trong tổng đều theo Thiên Địa hội. Ở Cần Thơ, làng nào cũng có Thiên Địa hội mà người đứng ra tổ chức là những người Hoa từ Chợ Lớn về.


Lịch sử Thiên Địa hội


Theo thời gian, cùng với những thiên tai, biến động chính trị ở Trung Hoa đại lục, các thành viên của Thiên Địa hội như những người tha hương khác, di cư đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do yếu tố địa lý, văn hóa, cộng với việc người Pháp cho tự do buôn bán, hút thuốc phiện nên Thiên Địa hội (sau này đổi tên thành Hội Tam Hoàng) nhanh chóng nhìn ra món lợi béo bở. Từ đó, một nhánh của Thiên Địa hội bắt đầu hình thành và cắm rễ - chủ yếu tại miền Nam Việt Nam.

Lễ cắt máu ăn thề của hội viên Tam Hoàng.

Khởi đầu, lúc mới thành lập ở Trung Quốc, về mặt tổ chức thì người đứng đầu Thiên Địa hội được gọi là Tổng đàn chủ. Dưới trướng Tổng đàn chủ có hai bộ phận là Tiền ngũ phòng và Hậu ngũ phòng, mỗi "phòng" chịu trách nhiệm một tỉnh, chẳng hạn như Nhất phòng ở Phúc Kiến, Nhị phòng ở Quảng Đông, Tam phòng ở Vân Nam, Tứ phòng ở Hồ Nam, Ngũ phòng ở Triết Giang. Ngoài ra còn 5 phân đàn nhỏ ở Cam Túc, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây.

Theo sự phân công của Tổng đàn chủ, Tiền ngũ phòng lo việc ngoại giao, kinh tài, trong đó "Hoạt vụ Phòng" chịu trách nhiệm ám sát các quan chức Mãn Thanh, phục kích những đoàn xe chở quân lương, vũ khí, còn Hậu ngũ phòng lo việc thông tin liên lạc, tuyển mộ người cùng các công tác hậu cần, phổ biến chủ trương, chính sách của Thiên Địa hội đến các "đàn". Nói là mỗi đàn phụ trách một tỉnh nhưng thật ra, đại đa số người thuộc Thiên Địa hội đều tập trung ở những thành phố lớn như Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu…

Đứng đầu mỗi đàn là Sơn chủ (hay còn gọi là Hoàng Long - Rồng vàng) và Phó sơn chủ. Dưới trướng Sơn chủ là Hương chủ lo về tổ chức, kết nạp hội viên. Dưới nữa có Hồng côn (gậy đỏ) thuộc ban võ, phụ trách lực lượng vũ trang; Bạch chỉ phiến (quạt chỉ trắng) thuộc ban văn, phụ trách việc tham mưu, lập kế hoạch; Thảo hài (giày cỏ) làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, trinh sát.

Thiên Địa hội thờ trời làm cha, thờ đất làm mẹ, lấy "phản Thanh phục Minh" làm tôn chỉ, lấy tinh thần "Đào viên kết nghĩa" làm nền tảng. Trên bàn thờ có bài vị của 5 người, gọi là "Hồng môn ngũ tổ", gồm Thái Đức Trung, Phương Đại Hồng, Mã Siêu Hưng, Hồ Đức Đế và Lý Thức Khai. Mật hiệu để những hội viên Thiên Địa hội nhận ra nhau là khi đưa tẩu thuốc mời nhau chẳng hạn, người đưa cầm bằng ngón cái và ngón trỏ, đưa cả hai tay, hai ngón cái hướng lên, nếu người nhận cũng nhận bằng hai tay, ép ngón cái của mình vào ngón cái của người đưa tẩu thuốc thì đúng là người trong hội.

Còn nếu mời uống trà thì người mời dùng ngón cái và ngón trỏ cầm ngang miệng chén, ngón giữa chạm vào đáy chén, nếu người kia cũng nâng chén như vậy thì đó chính là đồng hội, hoặc khi mời ăn, người mời đặt đôi đũa nằm ngang trên mấy đầu ngón tay xoè ra để mời, nếu khách chưa nhận đũa ngay mà đẩy bát ra xa thì ắt là hội viên chính hiệu.

Khi Cách mạng Tân Hợi (10/10/1911) nổ ra rồi ngày 12/2/1912, hoàng đế Mãn Thanh thoái vị thì sứ mệnh chính trị của Thiên Địa hội xem như đã hoàn tất. Tuy nhiên, các bang hội sinh ra từ Thiên Địa hội hoặc chịu ảnh hưởng của nó vẫn tồn tại với hệ thống tổ chức rất quy mô, chặt chẽ, chỉ có điều là mục tiêu lúc này không còn là "phản Thanh phục Minh" nữa, mà đơn thuần là những băng nhóm xã hội đen, coi việc kiếm tiền bằng cách buôn ma túy, tổ chức sòng bạc, tiệm hút thuốc phiện, bảo kê, giết mướn là ưu tiên hàng đầu.

Một thành viên của tổ chức 14K.

Một trong những băng nhóm nổi tiếng nhất, thoát thai từ Thiên Địa hội là băng 14K. Khởi đầu, nó mang tên "Hội Hồng Môn trung nghĩa", sáng lập bởi một viên tướng thuộc Quốc dân đảng Trung Quốc là Cát Triệu Hoàng. Năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giải phóng đại lục, Hồng Môn trung nghĩa chạy sang Hồng Kông rồi đổi tên là 14K.

Một số tài liệu cho rằng khi chạy sang Hồng Kông rồi tập hợp lại, Hội Hồng Môn trung nghĩa chỉ gồm 14 người và đều là người của Quốc dân đảng nên nó được đặt tên là 14K. Tuy nhiên, cũng có một số tài liệu khác khẳng định 14 là số nhà, nơi đặt tổng hành dinh cũ của Hồng Môn trung nghĩa ở đường Bảo Hoa, TP Quảng Châu, còn chữ "K" là Kuomintang - nghĩa là Quốc dân đảng.

Cùng với 14K, các băng nhóm khác như Thanh hội, Hòa Thắng Hòa, Hòa Hợp Đào cũng lần lượt ra đời rồi trở thành 4 nhóm xã hội đen lớn nhất ở Hồng Kông (gọi là tứ đại hắc bang), trong đó 14K được xem là mạnh nhất. Đầu những năm 50 của thế kỷ 20, 14K bành trướng sang Macao, Đài Loan và các khu vực khác trên thế giới như Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia và Đông Nam Á… Nó có liên hệ mật thiết với nhóm Yamaguchi-gumi ở Nhật Bản, với Trúc Liên bang, Tứ Hải bang ở Đài Loan, nhóm Hoa Thanh ở Mỹ và Hội Tứ ở Đông Nam Á…

Năm 1952, xảy ra cuộc chiến giành lãnh địa giữa Thanh hội và Hòa Thắng Hòa, Hòa Hợp Đào. Khi ấy, 14K áp dụng chiến lược "Tọa sơn quan hổ đấu" - ngồi trên núi xem cọp đánh nhau. Kết quả Thanh hội bị xóa sổ còn Hòa Thắng Hòa, Hòa Hợp Đào cũng bươu đầu sứt trán nên thế lực của 14K cũng vì vậy mà mạnh hơn, nhất là sau lưng nó có một số nhân vật trong Quốc dân đảng đỡ đầu.

Theo tài liệu thuộc địa lưu trữ của chính quyền Anh quốc, cuối những năm 80 của thế kỷ 19, số lượng thành viên Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông lên đến gần 20.000 người, có mặt trong khắp các lĩnh vực, từ một nhân viên thuộc một cơ quan hành chính nào đó hay một viên chức tòa án, thậm chí còn là cảnh sát. Cũng vào thời điểm này, Trung Quốc đại lục rơi vào cảnh thiên tai, loạn lạc nên nhiều người bỏ sang Hồng Kông, làm nghề khuân vác, bốc xếp, thồ hàng hoặc kéo xe ở các bến tàu, trên đường phố để mong tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ở nơi đất khách quê người, họ cũng cần một tổ chức đứng ra bảo vệ cho quyền lợi cho mình nên vì vậy, họ tình nguyện gia nhập Hội Tam Hoàng. Trong cuốn sách "Giai thoại Hồng Kông", tác giả Lu Yan viết: "Thời kỳ đầu, Hội Tam Hoàng là tổ chức đầu tiên đoàn kết mọi người lại với nhau và mục đích là giới thiệu việc làm cho người nhập cư. Khi trở thành hội viên của Hội, họ sẽ được hội bố trí địa bàn làm việc. Đổi lại, mỗi tháng họ tự nguyện trích một phần từ đồng lương ít ỏi của mình, nộp cho Hội, gọi là "hội phí".

Đứng trước làn sóng nhập cư ồ ạt, chính quyền Hồng Kông không thể kịp thời cung cấp điện, nước và các dịch vụ công cộng khác. Lợi dụng cơ hội này, Hội Tam Hoàng đã cho xây các trạm cấp điện, cấp nước, mạng lưới xe khách, nhà hộ sinh tư để thu lợi. Chẳng những không phản đối, người nhập cư còn mong được đóng tiền để sử dụng các dịch vụ của Hội Tam Hoàng. Đối với họ, nộp phí cho Hội Tam Hoàng đồng nghĩa với việc họ được công nhận là "người của Hội", và được Hội bảo vệ.

Dần dà, từ việc thu tiền tự nguyện của dân nhập cư, Hội Tam Hoàng chuyển sang hình thức dùng bạo lực để bắt ép người dân - nhất là những người ăn nên làm ra - hằng tháng phải nộp một khoản tiền, gọi là tiền bảo kê. Với số tiền này, Tam Hoàng đầu tư vào các nhà chứa gái, sòng bạc, các tiệm hút thuốc phiện…

Và mặc dù chính quyền Hồng Kông nhận ra sự lũng đoạn của Hội Tam Hoàng nhưng cảnh sát lại không thể quét sạch tổ chức này vì thế lực của Tam Hoàng đã bám rễ vào sâu trong nhiều tầng lớp xã hội. Nó gắn liền với kế sinh nhai của quá nhiều người nên việc họ chủ động khai báo với cảnh sát về những "hoạt động đen" của Hội là việc không tưởng!

Năm 1955, K. Hawins, một viên chức thuộc Phòng Nội vụ người Hoa ở Hồng Kông đã viết trong một báo cáo nội bộ: "Có thể nói, Hội Tam Hoàng đã gây tổn hại lớn cho xã hội Hong Kong. Hành vi tống tiền diễn ra công khai ở khắp mọi nơi và ngày càng nhiều người trở thành mục tiêu của băng nhóm này. Rất nhiều người di cư đến Hồng Kông phải sống trong những điều kiện dưới mức cơ bản nhưng rất khó động viên họ tham gia chiến dịch bài trừ Hội Tam Hoàng vì họ sợ trả thù. Trong khi đó, một số cảnh sát biến chất còn bắt tay với Hội Tam Hoàng, thông tin cho Hội những kế hoạch triệt hạ xã hội đen của chính quyền để hằng tháng nhận tiền "hụi chết".

Ngày 10/10/1956, tại Cửu Long (Kowloon) và một số khu vực khác ở Hồng Kông xảy ra bạo loạn, có sự tham gia tích cực của Hội Tam Hoàng. Vì vậy, ngay sau khi dập tắt cuộc bạo loạn, chính quyền Hồng Kông đã đề ra những chính sách đặc biệt và thành lập một ủy ban điều tra nhằm trấn áp Hội Tam Hoàng. Trong vòng 10 năm từ 1956 đến 1966, hơn 10.000 thành viên Tam Hoàng bị bắt, buộc tội, truy tố. Thế nhưng, tự mãn với những thành tích đã đạt được, chính quyền Hồng Kông thẳng tay cắt giảm chi phí cho công tác trấn áp nên Hội Tam Hoàng vẫn sống sót.

Tuy nhiên, đó là những chuyện xảy ra ở xứ người. Còn bây giờ, chúng ta hãy quay lại với Thiên Địa hội ở Việt Nam.


Thiên Địa hội ở Nam Kỳ Lục Tỉnh.


Như chúng tôi đã nói ở phần trên, trong số những di dân Trung Quốc bỏ xứ ra đi tìm miền đất mới thì nhiều người là thành viên của Thiên Địa hội. Theo tài liệu của Sở mật thám Đông Dương, dưới thời Pháp thuộc, những năm từ 1914 đến 1918 - là giai đoạn diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất - ở miền Nam Việt Nam (người Pháp gọi là Nam Kỳ) có khoảng 70 đến 80 "hội kín". Mục đích chủ yếu của những hội này là chống Pháp, chống đám quan lại tàn bạo, tham ô, chống sưu cao thuế nặng, cường hào ác bá…

Hầu hết những "hội kín" đều sử dụng tôn giáo và phép thuật để chiêu mộ hội viên. Một báo cáo của Văn phòng mật thám Nam Kỳ viết: "Họ (tức các hội kín) tổ chức cắt ngón tay lấy máu pha rượu, uống để thề trung thành. Có hội phát cho mỗi hội viên một lá bùa với lời tuyên truyền "gươm đâm không thủng, đạn bắn không xuyên".

Có hội cầm đầu bởi một thầy pháp (thầy cúng)… Họ có những dấu hiệu riêng để nhận ra nhau. Trong liên lạc, họ dùng tiếng lóng và những đám giỗ, đám cưới, đám ma là bức bình phong che giấu những cuộc họp. Những địa phương có nhiều hội kín nhất ở Nam Kỳ là Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bến Tre, Bạc Liêu, Châu Đốc, Long Xuyên...".


Từ "Hội Vạn Xe"...


Không thể đứng ngoài những "hội kín" ấy, Thiên Địa hội vào cuộc. Đầu tiên, họ nhắm đến những người đánh xe ngựa (xe thổ mộ) - là phương tiện giao thông chủ yếu ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Để thống lĩnh ngành vận tải thô sơ này, những người cầm đầu Thiên Địa hội tại Sài Gòn lập ra "Hội Vạn Xe", căn cứ đặt ngay bến Bình Đông (nay thuộc quận 8), là nơi ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây chở nông sản thực phẩm, hoa quả lên cung cấp cho các chợ đầu mối ở Sài Gòn…

Ngược dòng thời gian, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần Vương thất bại và cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ (lục tỉnh) do Võ Duy Dương và Thủ khoa Huân lãnh đạo bị thực dân Pháp dập tắt thì Thiên Địa hội ở Nam Kỳ bắt đầu phát triển mạnh, nhất là tại Gia Định, Biên Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu... nơi có nhiều Hoa kiều cư ngụ.

Xe ngựa trước chợ Bến Thành.

Khi ấy, nó gồm 2 nhóm lớn: Nhóm Nghĩa Hưng - hay còn gọi là Đồng Hưng, Nhân Hưng, Kèo Xanh, Kèo Đỏ, chủ yếu là người Hoa gốc Phúc Kiến, hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, có xu hướng hoạt động chính trị rõ rệt. Họ liên kết với quân "Cờ Đen" của Lưu Vĩnh Phúc - là thuộc hạ của tướng Ngô Côn trong phong trào Thái Bình Thiên Quốc, từng phối hợp với quân triều Nguyễn giết chết hai sĩ quan Pháp là Francis Garnier và Henri Rivière. Nhóm thứ hai là Nghĩa Hòa, tức Kèo Vàng của người Hoa gốc Triều Châu, hoạt động chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên. Ngoài ra còn nhóm của người Hẹ (Khách trú) nhưng vì ít người nên quy mô tổ chức cũng nhỏ hơn.

Lúc này, số đông người Việt ở Nam Kỳ có tham gia "hội kín" hoặc có cảm tình với các "hội kín" nhìn thấy một sức mạnh tiềm tàng nơi Thiên Địa hội, có thể dựa dẫm được. Phương cách hoạt động thần bí của Thiên địa hội lại rất phù hợp với bản tính liều lĩnh, can đảm, sùng bái thần quyền, ưa phiêu lưu mạo hiểm, tin vào bùa ngải của họ. Vì vậy, khi gia nhập Thiên Địa hội, họ vẫn giữ các truyền thống do người Hoa lập nên, như trộn lẫn phép thuật, bùa chú, uống máu ăn thề với việc dùng tiếng lóng, dấu hiệu riêng để liên lạc…, nhưng thay đổi mục tiêu "phản Thanh phục Minh" của người Hoa thành "phản Pháp phục Nam".

Để chiêu binh mãi mã, khởi đầu những người lãnh đạo Thiên Địa hội ở Sài Gòn, Chợ Lớn nhắm vào số phu xe ngựa và thành lập "Hội Vạn Xe" (Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, "vạn" là một hình thức nghiệp đoàn, như "vạn chài", "vạn cấy"). Địa bàn hoạt động của Hội Vạn Xe khi ấy kéo dài từ bến Bình Đông ra khu vực Phú Lâm, từ đình Minh Phụng sang cầu Xóm Chỉ, từ chợ Nancy xuống khu An Bình, Chợ Lớn. Ở vùng Sài Gòn, Hội Vạn Xe làm chủ rạch Bến Nghé, bến Bạch Đằng, các kho hàng bên Khánh Hội và các con đường nay là Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… Người trong một "vạn" liên kết với nhau rất chặt chẽ dưới sự chỉ huy, điều động của "vạn trưởng". Nếu một người trong "vạn" bị ức hiếp, đánh đập hoặc tài sản bị chiếm giữ thì lập tức cả "vạn" ồ ạt kéo đến bênh vực, trả thù. Khi bị chính quyền Pháp bắt, hầu như họ không bao giờ khai báo về tổ chức của "vạn" hoặc chỉ khai phần ngọn. Nếu phải ở tù, gia đình người tù sẽ được "vạn" giúp đỡ rồi khi ra tù, "vạn" lại tiếp tục giao cho họ công việc và phương tiện mà trước đó họ đã làm. Như chuyện có một thủy thủ người Pháp say rượu từ đường Lê Lai thuê xe về bến Bạch Đằng, đã chẳng những không trả tiền mà còn tát tai người phu xe khiến cả chục "vạn phu" kéo đến, đánh cho gã thủy thủ một trận thừa sống thiếu chết khiến những "Hộ trưởng" (là người đứng đầu một khu phố - tương tự như chủ tịch phường bây giờ), hoảng hốt. Lập tức, các Hộ trưởng bẩm báo với chính quyền, nhưng người Pháp khi ấy bỏ ngoài tai vì cho rằng "đây chỉ là hành động tự phát của một nhóm phu xe khi thấy đồng nghiệp bị hiếp đáp". Mặc dù người Pháp cũng mở cuộc điều tra, nhưng chỉ điều tra cho có lệ bởi lẽ họ chẳng khai thác được gì nơi những người "Vạn Xe". Tất cả đều "không biết, không nghe, không thấy, không tham gia".

Các hội viên Thiên Địa hội thề trước bàn thờ Ngũ tổ.

Được nước, Lý Vỹ, kẻ cầm đầu Thiên Địa hội vùng Sài Gòn, Chợ Lớn dấn thêm một bước: Không chỉ phu xe ngựa, Vỹ ra lệnh cho hội viên, bằng hình thức này hay hình thức khác, mỗi người phải kết nạp thêm 3 người trong giới bồi bếp, người phục vụ ở các nhà hàng, quán ăn, công nhân các xưởng sản xuất thủ công, làm thuê cho các hiệu buôn…, những hội viên mới này cứ đóng tiền "hội phí" hằng tháng là được Thiên Địa hội che chở…

Theo báo cáo của mật thám Sài Gòn, cuối năm 1889, số lượng thành viên của Hội Vạn Xe vào khoảng 6.000 người, được tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới, đứng đầu là một người Việt tên Bạch - thường được gọi là "Cai" Bạch. Xuất thân từ một phu lục lộ (công nhân làm đường giao thông), do mẫn cán nên Bạch được cất nhắc lên làm "cai", trông coi 1 tổ gồm 40 người, chịu trách nhiệm trong việc rải đá dăm, nấu nhựa đường. Được một người Hoa tên Phóng móc nối, Bạch gia nhập Thiên Địa hội rồi chỉ một thời gian ngắn sau, cả 40 người trong tổ của Bạch cũng trở thành hội viên Thiên Địa hội.

Việc cai Bạch trở thành người lãnh đạo Hội Vạn Xe đã khiến Ngọc "Móng Cái" bất bình. Là người Hoa gốc Nùng, Ngọc từ Móng Cái, Quảng Ninh tha hương vào Sài Gòn làm nghề đánh xe ngựa kiếm sống. Lúc chưa có sự xuất hiện của cai Bạch, Ngọc "Móng Cái" là người cầm đầu hơn 300 phu xe ngựa, xe kéo. Tới hồi bị hất cẳng, lại thêm sự khích bác của đồng nghiệp, Ngọc phát tín hiệu, đề nghị cai Bạch tỉ thí để phân định chủ, tớ.

Bến Hàm Tử thời xưa.

Trận tỉ thí diễn ra suốt 6 ngày, mỗi ngày đánh nhau 1 tiếng, địa điểm là trước dãy nhà kho bến Hàm Tử trước sự cổ vũ của các phu xe ngựa, xe kéo, công nhân bốc vác. Do cả hai đều giỏi võ nên 5 ngày đầu bất phân thắng bại. Đến chiều ngày thứ 6, bằng một cú đá liên hoàn, cai Bạch dồn Ngọc "Móng Cái" vào vách tường rồi tung ra đòn quyết định là cú đấm móc ngược từ dưới hàm lên. Dính đòn hiểm, Ngọc "Móng Cái" choáng váng. Và khi cai Bạch định kết thúc bằng một cú đấm nữa thì Ngọc giơ tay xin hàng.

Trở thành người lãnh đạo Hội Vạn Xe, theo chỉ đạo của Lý Vỹ, cai Bạch ra lệnh cho các phu xe rằng nếu như trước kia, một cuốc xe từ chợ Nancy đến Nhà hát lớn chẳng hạn, phu xe đòi 2 cắc nhưng sẵn sàng đồng ý 1 cắc rưỡi nếu khách trả giá thì bây giờ, 2 cắc rưỡi là 2 cắc rưỡi, khách không đi thì thôi trong lúc cứ mỗi cuối ngày, phu xe vẫn phải nộp tiền "hụi chết" cho Thiên Địa hội.

Để có tiền nộp, phu xe phải nghĩ ra những trò bất lương như chở khách đi vòng vèo rồi đòi thêm tiền. Nếu khách có nhiều hành lý, giữa đường phu xe than nặng, ngựa kéo không nổi rồi tăng giá. Gặp khách phản ứng, phu xe quăng hết hành lý của khách xuống và đợi một xe khác chạy ngang qua rồi ra dấu là chỉ một lúc sau, sẽ có hàng chục chiếc xe ngựa kéo đến gây áp lực.


...đến hoạt động bảo kê.


Với những người làm nghề bồi bàn, bồi bếp, thợ thủ công, hình thức thu tiền "hụi chết" được Thiên Địa hội nói thẳng với chủ tiệm, chủ nhà hoặc chủ xưởng. Cuối tháng, người của Thiên Địa hội đến gặp chủ tiệm rồi sau khi thu tiền bảo kê cho tiệm, chủ tiệm phải trả luôn tiền bảo kê cho những bồi bàn, công nhân làm trong tiệm, xưởng của mình. Phần tiền này sẽ được trừ vào lương. Ông Nhơn, năm nay 76 tuổi, nhà ở trong một con hẻm trên đường Lê Quang Sung, quận 6 cho biết: "Hồi đó tôi nghe ba tôi kể là mỗi lần đình Minh Phụng có gánh hát bội về hát là Thiên Địa hội cử người đến thu tiền bảo kê. Có lần, một gánh dưới Lục tỉnh lên, nghe Thiên Địa hội đòi tiền thì họ không đưa, mà họ báo "mã tà" (cảnh sát). Tới hồi gần đến giờ mở màn, bà con chuẩn bị vô xem thì ngay ở cửa, hàng chục phu xe ngựa đứng dồn cục, tay cầm roi bện bằng da, cố tình chắn lối. Mã tà chỉ có một người nên bất lực. Cuối cùng, chủ gánh phải bấm bụng xì ra một ít tiền mới xong".

Bảo kê cho người sống chưa đủ, Thiên Địa hội còn bảo kê cho cả… người chết bằng cách lập ra những "hội tương tế" mà thực chất là bán hòm, tổ chức tang ma hậu sự. Một báo cáo của Sở Mật thám Nam Kỳ viết: "Không thể bắt quả tang bọn này vì khi hỏi, gia chủ luôn luôn trả lời là họ tự nguyện chứ không bị ép buộc. Một "lính kín" (nghĩa là người chỉ điểm) của ta cài vào nhóm Thiên Địa hội ở bến Bình Đông suốt 3 tháng không moi được tin tức gì, mà sau đó lại chết đuối(?!). Ở nhiều nơi, dân không nghe theo hội trưởng, mà răm rắp tuân lời chánh hội, phó hội, hương chủ…, là những chức vụ ngầm do Thiên Địa hội đặt ra".

Thế lực ngầm ngày càng phát triển và do không đủ nhân lực nên dần dà, một số người Việt trở thành lãnh đạo Thiên Địa hội, người Hoa chỉ còn đóng vai trò cố vấn, phụ trách nghi lễ. Thành phần tham gia Thiên Địa hội đông nhất là nông dân và dân nghèo thành thị, hầu hết ở tuổi thanh niên. Khi gia nhập hội, họ phải đọc 36 lời thề, nội dung hết lòng với huynh đệ, sống chết không phản bội, không lấy công làm tư, không tham lam gian tà, không dụ dỗ vợ của hội viên khác… nếu sai lời sẽ bị muôn đao phanh thây xẻ xác. Trích máu ăn thề xong, hội viên sẽ được cấp cho một lá bùa "Hồng môn hộ mạng", vừa để bảo vệ thân thể trước súng đạn, lại vừa dễ nhận ra nhau..

"Ở đâu có người Hoa là ở đó có Thiên Địa hội". Báo cáo của Sở Mật thám Đông Dương khẳng định. Nhất là ở những vùng quê, những xóm chợ ven sông, một tiệm thuốc Bắc mà ông thầy xem mạch là người Hoa, hoặc một quán mì, quán trà đều có thể là đầu não chỉ huy hội viên Thiên Địa hội tại vùng đó.

Giấy chứng nhận thành viên Thiên Địa hội.

Vai trò của Thiên Địa hội xuất hiện rõ nét nhất là ở tỉnh Bạc Liêu. Lúc ấy, khu vực chợ Bạc Liêu xảy ra bệnh dịch tả nên viên chủ tỉnh (tương tự như chủ tịch tỉnh ngày nay) ra lệnh cho tất cả các tiệm ăn phải quét dọn sạch sẽ và đặc biệt là cấm khạc nhổ, đi tiêu bừa bãi nơi công cộng nếu ai vi phạm sẽ bị phạt. Trước lệnh này, chủ các tiệm ăn, quán trà, chủ các sạp hàng buôn bán trong chợ là người Hoa đồng loạt đóng cửa tiệm, đóng cửa sạp hàng để phản đối. Báo cáo của viên chủ tỉnh gửi Toàn quyền Đông Dương có đoạn viết: "Chúng tôi tịch thu được nhiều loại giấy tờ có đóng dấu đỏ với những ký hiệu rất lạ, với những lời lẽ và con số giống như nói về chuyện tiền bạc. Một lính kín mà chúng tôi cài vào làm công cho tiệm mì Huê Ký ở chợ Bạc Liêu khẳng định rằng đó là lệnh bãi thị của Thiên Địa hội… Gửi trát đòi mấy chủ tiệm người Hoa lên hỏi thì họ trả lời rằng họ không phải là người viết tờ giấy đó, và nội dung của nó chỉ là giấy tính tiền mua hàng ở Sài Gòn mà thôi".

Trước những hoạt động bí ẩn của Thiên Địa hội, người Pháp rơi vào trận hỏa mù. Những tài liệu mật thám Pháp thu được ở Sài Gòn Chợ Lớn, ở các tỉnh miền Tây đều na ná như nhau. Đó là vài thanh gươm, cán có chạm chữ "Thiên", vài bộ truyện Tàu, những tờ giấy "dó" - một loại giấy làm theo phương pháp thủ công trong đó loằng ngoằng những ký tự tiếng Hoa và những con số giống y như đơn đặt hàng hay biên lai tính tiền.

Một báo cáo viết năm 1909 của Henri Dusson, Chánh án Nam Kỳ đã mô tả về sự phát triển Thiên Địa hội ở Long Xuyên như sau: "Khi đưa những người trong phong trào Duy Tân ở Mỹ Tho do Trần Chánh Chiếu cầm đầu ra tòa vào tháng 4/1909, chính quyền thuộc địa đã kết án quá nhẹ. Trần Chánh Chiếu cùng một số đồng phạm khác trắng án khiến dân Long Xuyên tin rằng nếu gia nhập "hội kín" thì chẳng ai làm gì được…".


Những thế lực ngầm


Như đã nói ở trên, ở 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ (lục tỉnh), tỉnh nào cũng có Thiên Địa hội nhưng gây được ảnh hưởng lớn nhất vẫn là tại Long Xuyên với hai nhóm là Nghĩa Hưng và Nghĩa Hòa.

Nhóm Nghĩa Hưng hoạt động dưới lớp vỏ bọc thương mại, gọi là Nghĩa Hưng công ty, chuyên vận chuyển lúa gạo, hàng hóa gia dụng bằng những chiếc ghe bầu. Ở cái vành gỗ đầu tiên ngay trước nóc mui ghe, họ cho sơn màu xanh. Vì vậy, dân Long Xuyên thường gọi họ là nhóm "kèo xanh". Bên cạnh đó, họ còn có một số nhà máy xay lúa và một đội ngũ chuyên đi đến những làng mạc xa xôi, thu mua lúa gạo. Ở đâu xuất hiện nhóm thu mua này là ở đó, những thương buôn khác phải tránh xa.

Những người lãnh đạo nhóm "kèo xanh" hầu hết là người Hoa gốc Phúc Kiến. Thời hưng thịnh nhất, nhóm "kèo xanh" có khoảng 60 chiếc ghe bầu, tải trọng mỗi ghe từ 5 đến 8 tấn với nhân lực hơn 1.000 người, kể cả công nhân bốc vác. Gắn động cơ thủy của hãng MEMEs, Pháp, đội ghe Nghĩa Hưng hoạt động khắp lục tỉnh, lên Sài Gòn, đi Biên Hòa và sang cả Phnôm Pênh, Campuchia. Ở Cần Thơ, Nghĩa Hưng có một chi nhánh gọi là Nhơn Hưng còn tại Sài Gòn, chi nhánh là Đông Hưng.

Nhóm thứ hai xưng tên Hòa Xuân - dân Long Xuyên gọi là nhóm "kèo đỏ". Về thực chất thì nhóm "kèo đỏ" tách ra từ nhóm "kèo xanh", phần lớn vẫn là người Phúc Kiến. Bởi vậy nên ngoài cái vành mui ghe thứ nhất sơn màu xanh thì vành thứ hai họ sơn màu đỏ.

Cũng như "kèo xanh", "kèo đỏ" hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường sông nhưng đội ghe của họ ít hơn "kèo xanh", chỉ có chừng 35 đến 40 ghe, nhân lực khoảng 600 người nhưng ngược lại, một số "hội kín" ủng hộ họ vì họ thường giúp những người bị mật thám Pháp truy nã, ẩn trốn trong ghe dưới dạng làm công.

Thực lực không bằng "kèo xanh, kèo đỏ" nhưng lại nổi danh là nhóm "kèo vàng", tên chính thức là Nghĩa Hòa gồm đa số người Hoa gốc Triều Châu và một số ít là người Minh Hương (là những người theo nhà Minh, khi bị Mãn Thanh cai trị đã bỏ xứ chạy sang Việt Nam rồi thành lập một cộng đồng gọi là Minh Hương). Cũng hoạt động dưới lớp vỏ thuyền buôn nhưng "kèo vàng" chuyên về tổ chức cờ bạc với những sòng me, tài xỉu, xập xám.

Những sòng bạc này mọc lên ở khắp nơi: Từ một manh chiếu trải xuống đất bên cạnh chợ Mỹ Luông chuyên đánh tài xỉu đến những sòng mạt chược lênh đênh trên những chiếc ghe bầu hoặc trong những ngôi nhà cửa nẻo kín mít. Theo ước tính vào đầu thế kỷ XX, hội viên chính thức của nhóm "kèo vàng" chỉ khoảng 300 người nhưng nó chi phối hệ thống cờ bạc từ Cần Thơ xuống Sóc Trăng, từ Bạc Liêu, qua Long Xuyên về Rạch Giá.

Trong một báo cáo viết năm 1879 của Sở Mật thám Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, họ đã báo động như sau: "Tỉnh Long Xuyên gồm 60 làng nhưng chỉ 5 làng là chưa xác định được có hội kín hoặc có người dân theo “kèo xanh”, “kèo đỏ” hay không. Số còn lại thì 35 làng chịu ảnh hưởng rất nặng của hai nhóm này, 17 làng chịu ảnh hưởng tương đối. Cũng trong 60 làng thì 52 làng có người của "kèo vàng", chuyên tổ chức đánh bạc bằng nhiều hình thức, lôi kéo hàng nghìn con bạc tham gia. Trong số 12.484 dân Triều Châu ở toàn cõi Nam Kỳ - trừ Sài Gòn, Chợ Lớn - thì chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng và một phần của Bạc Liêu, tổng số người Triều Châu là 5.300 người - nghĩa là gần một nửa. Ngoài ra, còn có khoảng 6.000 người Triều Châu khác không chịu đăng ký, ghi tên vào sổ bộ…".

Mặc dù sáng lập và xây dựng tổ chức, nhưng là thiểu số nên người Hoa chỉ nắm vai trò lãnh đạo, vạch kế hoạch cho mọi hoạt động của nhóm mình, còn đa số hội viên hoặc những thủ lĩnh cấp thấp là người Việt. Ngay từ năm 1877, mật thám Pháp đã nhận ra sự hoạt động của Thiên Địa hội nhưng thời điểm ấy, họ cho rằng Nghĩa Hưng, Hòa Xuân, Nghĩa Hòa lập ra chẳng qua là để cạnh tranh trong lĩnh vực làm ăn, cờ bạc.

Báo cáo của mật thám Long Xuyên viết: "Sự liên kết giữa người Việt và Hoa kiều nhất định sẽ có hại cho nhà nước thuộc địa, tuy hiện nay chưa thành vấn đề lớn nhưng trong tương lai sự liên kết ấy sẽ mạnh hơn vì có sự thông đồng ngấm ngầm giữa Hoa kiều chủ chứa sòng bạc và bọn công chức An Nam ăn hối lộ…".


Kèo xanh, kèo vàng đại chiến.


Tuy nhiên, từ năm 1880 trở đi, tình hình trở nên biến động khác thường. Nhiều làng xóm liên tục xảy ra những vụ cháy nhà, chặt phá vườn cây ăn trái, đánh bả chó, cắt chân trâu, bò… mà nạn nhân nếu không phải là hội viên của nhóm "kèo xanh" thì cũng là người của "kèo vàng".

Tháng 9/1880, tại Sóc Trăng, lần đầu tiên "kèo xanh", "kèo vàng" dàn quân đánh nhau công khai giữa ban ngày. Tổng cộng hai bên có khoảng 60 người, hầu hết là người Hoa giỏi võ, trang bị gậy gộc chứ không dùng đao kiếm vì không muốn rắc rối với chính quyền thuộc địa, chưa kể hàng trăm người khác của cả hai bên đi theo để cổ vũ tinh thần. Kết quả có 3 người bị thương nặng phải đưa lên Chợ Lớn điều trị.

Lính mã tà thời Pháp thuộc.

Khi trận giao tranh xảy ra, theo lệnh của viên chủ tỉnh, hương chức làng và lính mã tà không can thiệp, cũng như không xuất hiện để giải tán hay bắt bớ. Đến tháng 11, hai bên lại đánh nhau nhưng trận đụng độ có quy mô lớn nhất xảy ra vào ngày 17/12/1880. Hơn 400 người thuộc Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa lao vào hỗn chiến ngay trên đường phố cạnh chợ Sóc Trăng. Lần này, theo đề nghị của chủ tỉnh, Thống đốc Nam Kỳ chấp thuận xử phạt, nhưng chỉ phạt bằng tiền.

Nguyên nhân của những xung đột này bắt nguồn từ thời xa xưa, giữa người Hoa gốc Phúc Kiến và người Hoa gốc Triều Châu. Đến khi nhóm Nghĩa Hòa mở ra những sòng bạc, nó đã lôi cuốn không ít "phu thuyền" - là người làm công trên ghe bầu của nhóm Nghĩa Hưng lao vào cuộc đỏ đen, mà thói cờ bạc thì thua nhiều hơn thắng. Để gỡ gạc, "phu thuyền" Nghĩa Hưng ngoài sự chểnh mảng trong công việc, có người còn ăn cắp lúa đem bán lấy tiền. Sau nhiều lần phát tín hiệu cảnh báo nhưng nhóm Nghĩa Hòa vẫn làm lơ, nhóm Nghĩa Hưng quyết định một còn một mất.

Và sở dĩ nổ ra những trận chiến bởi nhóm Nghĩa Hưng xưa nay vẫn thiên về hoạt động chính trị. Dựa vào khẩu hiệu "phản Pháp phục Nam", những người cầm đầu Nghĩa Hưng toan tính lật đổ chính quyền thuộc địa để thay thế bằng một nền quân chủ phong kiến trong lúc nhóm Nghĩa Hòa lại chủ trương làm ăn kinh tế thông qua cờ bạc, thuốc phiện. Bên cạnh đó, cũng do đa số nông dân, thợ thuyền người Việt ít học, không phân biệt nổi đâu là "kèo xanh", đâu là "kèo vàng", mà họ chỉ gọi chung là "hội kín" khiến thanh danh của Nghĩa Hưng ít nhiều tổn hại nên họ phải đánh để phân định "chính", "tà"!

Mặc dù đánh giá Thiên Địa hội tại Nam Kỳ chưa đến nỗi nguy hiểm như ở Trung Quốc, nhưng người Pháp thỉnh thoảng cũng tổ chức những cuộc ruồng bố và trục xuất những Hoa kiều không đăng ký trong sổ bộ. Tuy vậy, Thiên Địa hội vẫn không ngừng phát triển. Tháng 5/1882, ở tổng Định Chí, tỉnh Sóc Trăng, tất cả người Hoa, người Minh Hương và người Việt ở 18 làng trong tổng đều theo Thiên Địa hội. Ở Cần Thơ, làng nào cũng có Thiên Địa hội mà người đứng ra tổ chức là những người Hoa từ Chợ Lớn về. Chỉ đến khi một "lính kín" phát hiện ra rằng trong một buổi lễ kết nạp hội viên mới, có lời thề "sẽ khởi loạn" thì chính quyền thuộc địa mới thật sự lưu tâm.

Đầu tháng 7/1882, tại một bãi đất hoang vu sát biển thuộc tổng Thạnh Hòa - nay là tỉnh Bạc Liêu, một "lính kín" báo về, rằng một số Hoa kiều dựng lên những căn chòi nằm rải rác, canh gác cẩn mật. Hằng ngày, thường xuyên có chừng 300 đến 400 người lui tới họp hành bàn bạc.

Hai ngày sau đó, một cuộc càn quét được chính quyền thuộc địa tung ra với 12 mật thám, 50 lính mã tà dưới sự chỉ huy của một cai tổng. Nhóm người Hoa chống cự kịch liệt bằng gậy gộc nhưng tre, gỗ làm sao đấu nổi súng đạn. Kết quả 76 người Hoa bị bắt, tất cả đều là dân Triều Châu, trong đó có 19 người bị bắt quả tang đang nấu thuốc phiện lậu cùng một số tài liệu liên quan đến Thiên Địa hội. Qua khai thác, họ nói rằng tất cả mọi hoạt động của họ đều theo sự chỉ đạo từ Chợ Lớn nhưng ai là người trực tiếp chỉ đạo thì họ không biết vì chỉ liên lạc bằng thư.

Ngay lập tức, vùng Sài Gòn, Chợ Lớn bị bố ráp theo lệnh của Thống đốc Nam Kỳ. Tại hai căn nhà liên kế số 127, 129 đường Lareynière, người Pháp thu được nhiều tài liệu quan trọng, chứng minh đây là cơ quan đầu não của Thiên Địa hội. 7 người Hoa gốc Triều Châu bị trục xuất về nước.


Cuộc dấy binh của Phan Xích Long.


Nhắc đến Thiên Địa hội ở Nam Kỳ mà không đề cập đến cuộc dấy binh khởi nghĩa của Phan Xích Long là một thiếu sót. Tên thật của ông là Phan Phát Sanh, tự là Lạc, sinh năm 1893. Ngay từ nhỏ, ông đã chứng kiến cảnh sưu cao thuế nặng của nông dân cùng những thủ đoạn tàn bạo của thực dân Pháp nhằm đàn áp những người yêu nước. Vì thế, ông bỏ nhà lên vùng Thất Sơn, An Giang học bùa phép, sang Thái Lan học cách chế tạo bom mìn.

Phan Xích Long trong Khám lớn Sài Gòn.

Năm 1911, Phan Xích Long truyền dạy đạo thuật cho một số người, trong đó có Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp, Trương Phước, Nguyễn Màng, Huỳnh Văn Khanh - là hội viên Thiên Địa hội. Tháng 2/1912, họ đồng loạt tôn ông làm minh chủ rồi cùng ông phát triển tổ chức, quy tụ những người cùng chí hướng đánh đuổi thực dân.

Khi lực lượng đã đủ mạnh, Phan Xích Long tự xưng "hoàng đế", định ngày 28/3/1913 sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trên các đường phố chính ở Sài Gòn, Chợ Lớn với sự tham gia của gần 1.000 hội viên Thiên Địa hội. Trong cuộc biểu tình này, họ sẽ ném bom, mìn vào một số đồn lính Pháp, mở đầu cho việc cướp chính quyền và đồng thời cũng là biểu thị cho ngày "hoàng đế" Phan Xích Long xuất thế.

Tuy nhiên, do cách bảo mật khá lỏng lẻo nên ngay từ đêm 23/3, mật thám Pháp đã thu nhặt được nhiều tờ truyền đơn, kêu gọi dân chúng tham gia khởi nghĩa. Đến sáng 28/3, lúc đoàn người biểu tình rầm rập xuất hiện thì cả 8 quả bom do Thiên Địa hội ném vào 8 trại lính, đồn mã tà đều không nổ! Một nhóm Thiên Địa hội từ Gò Vấp, Hóc Môn kéo lên bị lính Pháp bắt gọn. "Hoàng đế" Phan Xích Long cũng bị bắt và bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM) để điều tra.

Ngày 5/11/1913, Phan Xích Long cùng các đồng sự ra Tòa đại hình Nam Kỳ. Kết quả có 57 người được tha bổng, 6 người nhận án chung thân khổ sai, gồm: Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp, còn Nguyễn Mành, Nguyễn Ngọ, Trương Phước, trốn thoát nên bị kết án vắng mặt. Trước vành móng ngựa, Phan Xích Long tự biện hộ cho hành động của mình. Ông nói: "Tôi chống đối chính sách thuế khóa nặng nề của người Tây. Những trái bom ném vào các đồn lính là do chủ trương của tôi, còn những người khác chỉ làm theo lệnh tôi…". Thái độ anh hùng mã thượng của Phan Xích Long đã làm chấn động các "hội kín" ở Nam Kỳ.

Năm 1916, người Pháp đại bại sau những trận đánh với người Đức trong Thế chiến I. Thấy thời cơ đã đến, một số hội viên Thiên Địa hội lập kế hoạch tấn công Khám Lớn Sài Gòn để giải cứu Phan Xích Long cùng các đồng sự.

Đêm 14 rạng ngày 15/2/1916, khoảng 300 hội viên ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, tất cả đều mặc áo đen, quần trắng, cổ quấn khăn trắng, được uống rượu có pha một lá bùa đã đốt thành tro, cổ đeo dây pháp chú, bí mật dùng ghe, thuyền cập bến neo đậu ở chân cầu Ông Lãnh rồi chia làm ba nhóm. Một hướng về Khám Lớn Sài Gòn cứu Phan Xích Long, một chiếm dinh Thống đốc Nam Kỳ và một đánh phá kho đạn, phá nhà máy điện...

3 giờ sáng ngày 15/2, nhóm Thiên Địa hội vũ trang bằng giáo mác, gậy gộc từ những chiếc ghe đồng loạt lên bờ, tiến đến ba mục tiêu đã định. Thế nhưng, cuộc tấn công chỉ dựa vào niềm tin bùa chú, vũ khí lại thô sơ nên đã bị quân Pháp đè bẹp. 19 người bị bắn chết, số còn lại ai nhanh chân thì chạy thoát.

Sau cuộc khởi nghĩa, Tòa đại hình Nam Kỳ xử tử hình 38 người, bắn tại Đồng Tập Trận vào ngày 22/2/1916, trong đó có Phan Xích Long, khi ấy mới 23 tuổi. Ba tuần tiếp theo, lại có thêm 13 người nữa bị xử bắn, tổng cộng là 57 hội viên Thiên Địa hội.


Hội Tam Hoàng dưới thời Việt Nam Cộng hòa.


Năm 1954, sau Hiệp định Geneve chia đôi đất nước, miền Nam Việt Nam nằm dưới sự cai trị của chính quyền độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Không khó để nhận ra sự lũng đoạn kinh tế của một nhóm người Hoa có liên quan đến Thiên Địa hội - mà lúc này đã đổi tên thành Hội Tam Hoàng, dưới sự cố vấn của Ngô Đình Nhu, tháng 9/1956, Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật số 53, cấm người nước ngoài (mà thực chất là cấm người Hoa) làm 11 nghề, gồm: buôn bán lúa gạo, in ấn, buôn bán dầu hỏa, than đá, vận tải hành khách… Bên cạnh đó, ông ta ra lệnh cho tất cả mọi người Hoa, nếu ai không nhập quốc tịch Việt thì sẽ bị trục xuất.

Theo một báo cáo của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, tính đến cuối năm 1961, hơn 1 triệu người Hoa sống ở miền Nam chỉ còn chừng 2.000 người là không chịu đổi quốc tịch, phần lớn là những người đã già. Báo cáo này viết: "Họ - nghĩa là những người Hoa không nhập tịch - đều lớn tuổi, ốm đau bệnh hoạn, sống nay chết mai nên xét thấy không cần thiết phải trục xuất họ"…

Tin vào báo cáo nên anh em Diệm, Nhu không biết rằng trong số những ông già "cận địa viễn thiên" ấy, có người là lãnh đạo tối cao của Hội Tam Hoàng ở miền Nam. Duy nhất chỉ có một nhân vật nhìn ra mối nguy hiểm tiềm tàng này: Đó là Ngô Đình Cẩn.

Là em út trong dòng họ Ngô, Cẩn tuy ít học nhưng lại được trời phú cho một khả năng đặc biệt về những hoạt động ngầm. Bằng cách lập ra "Đoàn công tác đặc biệt miền Trung" do Dương Văn Hiếu và Nguyễn Tư Thái (biệt danh Thái "đen") cầm đầu với mục tiêu "săn lùng và tiêu diệt Cộng sản nằm vùng", Cẩn ra lệnh "làm thịt" luôn những người Hoa theo Hội Tam Hoàng bằng cách vu cho họ là tình báo Trung Quốc. Quá sợ hãi, nhiều người Hoa giàu có ở Huế, ở Đà Nẵng bỏ của chạy lấy thân. Họ vào Sài Gòn, xuống Bạc Liêu, Sóc Trăng… làm lại cơ nghiệp từ đầu và đó cũng là nguyên nhân vì sao đến nay, so với các địa phương khác ở miền Nam thì Huế là nơi có số lượng người Hoa ít nhất.

Trước những biến động ấy, Tam Hoàng ở miền Nam hầu như tê liệt. Nếu như trước kia, Tam Hoàng Chợ Lớn được coi như trung tâm quyền lực đen thứ hai trên thế giới, chỉ sau Singapore còn xếp thứ ba là Hồng Kông thì năm 1960, Tam Hoàng Chợ Lớn xem như biến mất trên bản đồ "hội kín". Thay vào đó, một tổ chức nhỏ hơn, thực lực kém hơn nhưng vẫn do người Hoa sáng lập và điều khiển là "Thanh bang" ngoi lên, tiếp thu và phát triển những ngành nghề kinh tế mà trước đó, nó vốn nằm trong tay các thành viên của Hội Tam Hoàng…


Tam Hoàng tái xuất.


Mặc dù "Đoàn công tác đặc biệt miền Trung" của Ngô Đình Cẩn lợi dụng việc "triệt hạ cơ sở Cộng sản nằm vùng" để "làm thịt" luôn Hội Tam Hoàng nhưng từ năm 1958, khi Ngô Đình Nhu quyết định phục hồi việc mua bán thuốc phiện để có tiền nuôi dưỡng phong trào "Cần lao nhân vị" do ông ta đẻ ra, cũng như đàn áp những cuộc khởi nghĩa và các nhóm đối lập thì Nhu không thể không bắt tay với Tam Hoàng mặc dù trước đó - tháng 5/1955 - Ngô Đình Diệm đã đích thân phát động phong trào bài trừ thuốc phiện dưới hình thức đóng cửa những tiệm hút, tổ chức một buổi lễ công khai đốt bàn đèn cùng các dụng cụ phục vụ việc hút xách.

Bằng cách cho một người thân tín bí mật tiếp xúc với Mã T., nhân vật đứng đầu 5 bang hội người Hoa ở Chợ Lớn đồng thời cũng là một chỉ huy cao cấp của Tam Hoàng miền Nam rồi tiếp theo, đích thân Nhu gặp Mã T.. Sau nhiều cuộc bàn bạc, thương lượng thì chỉ một thời gian ngắn, khoảng 2.500 tiệm hút thuốc phiện ở Chợ Lớn đã mở cửa trở lại. Để cung cấp thuốc phiện cho những tiệm hút ấy, Nhu mở hai tuyến vận chuyển từ Lào về Sài Gòn thông qua Hãng Hàng không thuê bao Air Laos Commerciale.

Tháng 11/1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ sau một cuộc đảo chính, anh em Diệm, Nhu bị giết dù đã được Tam Hoàng Chợ Lớn che chở. Tuy không có một văn bản chính thức nào từ "Hội đồng Quân nhân cách mạng" - là nhóm sĩ quan, tướng lĩnh Sài Gòn chủ mưu đảo chính nhưng cộng đồng người Hoa ở miền Nam xem như đạo luật 53 - cấm người Hoa làm 11 nghề - hết hiệu lực.

Và thế là các hiệu buôn, nhà in, các công ty xuất nhập khẩu máy móc nông ngư cụ, các "chành" lúa gạo, hãng xe đò do người Hoa làm chủ ồ ạt ra đời. Lúc này, do chiến tranh và những cuộc đảo chính, phản đảo chính, chỉnh lý giữa những người cầm đầu chế độ Sài Gòn liên tục xảy ra nên có vẻ như Tam Hoàng Chợ Lớn không còn quan tâm đến chính trị nữa mà chuyển sang làm ăn kinh tế bằng cách móc ngoặc với những tướng lĩnh, những bộ trưởng và các tỉnh trưởng, quận trưởng ở những khu vực sầm uất để được thắng thầu nhiều hạng mục béo bở.

Một trong những cú làm ăn ngoạn mục nhất của Tam Hoàng Chợ Lớn là năm 1966 - một năm sau khi thiếu tướng Vĩnh Lộc lên nắm quyền Tư lệnh Quân đoàn 2, thì Lý B, một trong những trùm Tam Hoàng Chợ Lớn tìm cách tiếp cận với ông ta. Sau khi gặp mặt, Lý B, đặt thẳng vấn đề với tướng Vĩnh Lộc rằng "xin mua lại tất cả những vỏ đạn đại bác 105mm bằng đồng của quân đội sau khi đã bắn xong", với một giá rất "thoáng".

Thời điểm này, tất cả mọi loại chiến cụ sử dụng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa đều do người Mỹ cung cấp. Theo một điều khoản trong chương trình viện trợ, vỏ đạn đại bác 105mm sau khi bắn phải được thu lượm lại để gửi về Mỹ tái chế, và Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV) kiểm soát rất gắt gao về số lượng đạn đã cấp phát cũng như số vỏ đạn thu về.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Vĩnh Lộc cùng các quân sư nảy ra một kế: Ông ta ra lệnh cho phần lớn những căn cứ pháo binh đóng ở những tiền đồn, những chi khu hẻo lánh, mỗi đêm mỗi khẩu đại bác 105mm phải bắn ít nhất 20 quả đạn, bắn đi đâu cũng được rồi cứ vài hôm, xe quân sự lại đến, chở đống vỏ đạn ấy về Pleiku. Tại đây, các "xì thẩu" người Hoa đã lập sẵn một xưởng nấu đồng, biến đống vỏ đạn thành những thỏi đồng bóng loáng. Số đồng này ngoài việc cung cấp cho những nhà sản xuất lư hương, chân đèn, các xưởng cơ khí, các cơ sở chế tạo khuôn mẫu trong nước, còn thì… xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan!

Giải thích với các cố vấn Mỹ về việc đêm nào cũng bắn, dẫn đến số lượng đạn 105mm cung cấp cho Quân đoàn 2 trong năm 1967 bằng gần một nửa so với số đạn mà Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 sử dụng nhưng không thu lại được vỏ đạn, Vĩnh Lộc nói rằng ông ta thực hiện kế hoạch "bắn quấy rối" - nghĩa là bắn hú họa vào những vùng nghi có Quân Giải phóng đang hoạt động, vừa để làm mất tinh thần đối phương, vừa để đối phương biết rằng quân đội Việt Nam Cộng hòa luôn theo sát mọi hành tung của họ. Sau đó, các căn cứ pháo binh bị Quân Giải phóng tập kích nên lính bỏ chạy, vỏ đạn cũng mất luôn!

Cùng với việc mua vỏ đạn của Lý B, ở Chợ Lớn bắt đầu xuất hiện thêm nhiều ông "vua không ngai" người Hoa như Lâm Huê H., "vua tín dụng và hàng phế liệu chiến tranh", Mã H., "vua lúa gạo", Lý Long T., "vua dệt vải, sắt thép", Tạ V., "vua xuất nhập khẩu", Lý B., "vua hàng PX, hàng viện trợ, đôla đỏ" (là hàng miễn thuế chỉ bán cho lính Mỹ và loại tiền chỉ có giá trị chi tiêu trong quân đội Mỹ), Lâm N., "vua lính ma, lính kiểng" (nghĩa là chạy cho con em người Hoa khỏi đi lính nhưng vẫn có tên trong danh sách, hoặc nếu phải đi lính thì cũng chỉ làm công việc văn phòng ở thành phố, thị xã chứ không phải ra mặt trận), tất cả đều có quan hệ mật thiết với Hội Tam Hoàng.

Trong đó, "vua bột ngọt" Trần T., gốc Triều Châu là một trong những thủ lĩnh cao cấp của Tam Hoàng, quản lý tài chính. Với tiềm lực rất mạnh, các ông "vua không ngai" nắm trong tay 70% các ngành kinh tế xương sống của miền Nam. Nhiều người đồn rằng Tín Mã Nàm (hay còn gọi là "Nàm chảy"), một tay anh chị người Hoa khét tiếng trong giới xã hội đen ở Chợ Lớn cũng là người của Tam Hoàng nhưng thực tế thì "Nàm chảy" chỉ là một gã du đãng, kéo bè kết cánh để bảo kê vũ trường, động mại dâm.

Theo báo cáo của Biệt đội Hình cảnh - Tổng nha Cảnh sát quốc gia Sài Gòn gửi Phòng Cảnh sát Đặc biệt đặc trách Hoa vụ, thì: "Không có dấu hiệu cho thấy Lý Nam (tức Nàm) có dính líu đến Hội Tam Hoàng". Hơn nữa, để bảo vệ công việc làm ăn, các "xì thẩu" người Hoa lúc ấy rất ngại đổ máu. Qua sự giao du mật thiết với các nhân vật chóp bu của chế độ Sài Gòn bằng tiền hối lộ, họ có đủ cách để khiến đối thủ thân bại danh liệt chứ mắc mớ gì mà phải đâm chém cho rùm beng.


Chỉ còn trong ký ức.


Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tam Hoàng Chợ Lớn ngoại trừ một số nhanh chân chạy ra nước ngoài thì số còn lại nằm im thở khẽ, theo dõi tình hình. Khi ấy, tại một cuộc họp bí mật với những người đứng đầu các bang hội người Hoa ở Chợ Lớn, Trần T. - một trong những thủ lĩnh cao cấp của Tam Hoàng, phụ trách việc quản lý tài chính, đã phát biểu: "Dù họ là ai chăng nữa (ý nói chính quyền cách mạng) thì họ cũng phải ăn, phải uống, phải mặc, phải thụ hưởng những tiện nghi vật chất. Vì thế, trước mắt chúng ta không nên manh động vì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, tất cả sẽ trở lại như cũ".

Nhưng Trần T. đã nhầm. Khi chiến dịch cải tạo tư sản thương nghiệp, cải tạo tư sản mại bản diễn ra và nhất là thời gian trước cuộc chiến tranh biên giới 1979, nhiều người Hoa - trong số đó có hội viên Tam Hoàng trở về Trung Quốc rồi đi đến các quốc gia khác. Quyền lực của Tam Hoàng dần dà chuyển sang Hồng Kông. Đến khi Hồng Kông được người Anh trao trả cho Trung Quốc, Tam Hoàng chuyển sang Đài Loan, sang Malaysia, Canada, sang Mỹ…

Suốt 20 năm, từ 1975 đến 1995, ba từ Hội Tam Hoàng mờ dần trong ký ức của những người Hoa sống tại TP HCM cũng như các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang…

Vũ Cao

1 nhận xét: